Tròn một tuổi với chiếc bánh sinh nhật đầu tiên

Tròn một tuổi với chiếc bánh sinh nhật đầu tiên

Tròn một tuổi với chiếc bánh sinh nhật đầu tiên, và ngôn ngữ đầu tiên trong đời.

Lúc tròn một tuổi, theo phong tục Âu Châu, người ta làm cái bánh đầu tiên, đốt cây nến đầu tiên để mừng tuổi bé, nhưng thời đó không đánh dấu một sự thay đổi nào cả về phương diện thể chất lẫn tinh thần, chỉ là một thời chuyển tiếp kéo dài tới hồi mười lăm tháng.

Trẻ đầy tuổi tập đi rồi, nhưng trong đa số trường hợp chưa lon ton được. Bé có thể uống trong chén được nhưng cầm muỗng còn lóng ngóng, vụng về. Bé đã thôi bú nhưng vẫn thường đòi một bầu trước khi đi ngủ. Muốn đi tiểu bé đã tập báo cho ta biết, nhưng thường vẫn đái trong quần.

Vậy thời đó, bé có khuynh hướng “làm lấy” nhưng chưa được. Mà thời đó đáng ngại về phương diện giáo dục: trẻ có vẻ phát triển nhiều rồi nhưng sự thực vẫn còn là hài nhi, thành thử người lớn hoặc muốn bỏ mặc bé một mình, hoặc muốn giáo hóa bé nghiêm quá: “Bây giờ nó đã đầy tuổi rồi, bây giờ nó đâu còn là em bé nữa, v.v…” Người lớn có thái độ đó cũng dễ hiểu vì trẻ đã có vài cử chỉ báo trước rằng bé sắp già giặn hơn.

Chẳng hạn tính cộng đồng của bé như phát triển thêm. Trẻ mười hai tháng đã biểu lộ rõ khuynh hướng làm trò rồi. Trẻ thấy hành động nào của mình làm cho người lớn thích thì bé lập lại, và khi bé làm được một cái gì, như lật đổ chén bột của bé thì bé muốn có người khen. Bé bắt đầu phân biệt được rõ hơn những phản ứng tình cảm của người lớn mà thích nghi với những phản ứng đó, đồng thời bé cũng khéo diễn cảm xúc của mình hơn. Bé biết ra dấu để người lớn hiểu (chìa tay ra đòi bồng, hoặc hất chén bột xuống đất); muốn tỏ nỗi mừng hoặc lòng âu yếm thì bé mỉm cười; bé đã bập bẹ được vài tiếng “ba” “mẹ” và dĩ nhiên bé không bỏ lối phát biểu ý muốn mà bé đã sử dụng tài tình từ hồi mới sinh, là khóc, vì khóc là ngôn ngữ đầu tiên của trẻ, rồi dần dần bé mới biết ra dấu và nói mà bớt khóc đi. Ngay hồi hai tuổi, trẻ gọi ba mẹ mấy lần mà không thấy tới, cũng khóc lên để thúc ba mẹ tới. Dưới đây tôi sẽ trình bày những nhận xét của Charlotte Buhler để chư vị hiểu ý nghĩa tiếng khóc của trẻ trong từng giai đoạn.

Trước hết tôi cần nói rõ rằng trẻ không bao giờ vô cớ mà khóc. Có thể chúng ta không hiểu tại sao bé khóc, nhưng luôn luôn vẫn có một nguyên do nào đó.

Trong tháng đầu đa số trẻ em gào chứ không có nước mắt. Nhưng cũng có đứa ngay từ ngày thứ ba đã có nước mắt rồi.

Trong sáu tháng đầu, trẻ khóc thì bao giờ cũng vùng vẫy, đập tay đập chân, đầu lắc qua bên này, bên kia, hoặc đưa một bàn tay lên miệng, cào mặt, bứt tóc.

Quá sáu tháng, trẻ có thể nằm yên mà khóc, không cử động. Có vài đứa, nét mặt thản nhiên, nước mắt cứ lặng lẽ chảy ra.

Trong mấy tháng đầu đó, trẻ khóc hầu hết là do khó chịu về thể chất: tiêu hóa không tốt, bị con gì đốt, vật gì đâm vào mình, đau bụng, khó đại tiện, hoặc mới phát một bệnh nào đó.

Những nguyên nhân đó có thể làm cho trẻ đau mà la khóc. Nếu bé đau hoài, không dịu thì bé gào lên, thỉnh thoảng rên rỉ một lát hoặc càu nhàu rồi lại gào nữa.

Trẻ cũng có thể khóc khi các giác quan bị kích thích mạnh quá, hoặc thình lình, hoặc không ngớt như tã, nệm ướt, quần áo chật quá, bác sĩ rờ mó xem xét bé lâu quá, thấy mặt một người lạ, ánh sáng chói quá, tiếng động mạnh quá, thời tiết thay đổi thình lình, hoặc tư thế của bé thay đổi thình lình.

Trong những trường hợp đó, trước khi khóc trẻ hơi rùng mình, giật mình như chúng ta khi có ai làm cho sợ; trẻ ngạc nhiên trong hai giây rồi mới òa lên khóc.

Nếu bé khóc vì tư thế khó chịu, thì nó rên rỉ, ti tỉ hoài cho tới khi nào người ta đổi tư thế bé mới thôi.

Cũng có khi trẻ mệt quá, không ngủ được mà khóc và chúng ta không tìm ra nguyên nhân nào khác nguyên nhân mệt mỏi đó. Khi bé ngủ được rồi, mà có gì làm cho bé thức dậy, dù rất nhẹ nhàng, thì bé cũng có thể khóc lại.

Chúng ta lại biết thêm rằng ngay từ ngày thứ nhì trẻ thấy đói là khóc: khóc như vậy để cầu cứu. Những lúc đó nó la dữ, đập chân đập tay, lắc đầu và nhiều khi miệng nó chụt chụt đòi bú.

Từ ba tháng trở đi, trẻ khóc vì nhiều nguyên nhân rất khác nhau, khó mà phân tích được, chúng có thể khóc chẳng những vì đau, vì một nhu cầu thể chất, mà trong nhiều trường hợp, có thể vì một nguyên nhân tâm lí nữa.

Chẳng hạn hồi bốn tháng, giọng nói, nét mặt, cách bồng của người lớn, có thể quen với trẻ rồi, nếu thình lình ngưng lại đổi đi thì có thể làm cho bé khóc.

Vào khoảng đó, có gì kích thích nó quá thì bé cũng khóc. Đứa trẻ bốn tháng thấy nhiều người nói lớn tiếng hoặc có ai rờ mình (dù chỉ rờ nhẹ) cũng có thể bị kích thích, la lên, cũng có khi bé không la, chỉ có vẻ mặt lạnh lùng, và vài giờ sau nó bỗng nhiên trút nỗi khó chịu ra, giỗi, không thèm bú.

Chỉ hơi thay đổi một thói quen, chẳng hạn trước vẫn bật đèn, lần này quên, cũng làm cho trẻ từ bốn hay năm tháng trở lên thấy khó chịu.

Và vào khoảng tám tháng, một đứa trẻ muốn làm một mình một việc gì đó, như chụp một vật bé thích mà không được, cũng có thể bực tức la khóc.

Sau cùng tôi cần làm rõ thêm về lời tôi mới nói ở trên : “Trẻ không bao giờ vô cớ mà khóc.” Đành rằng hồi mới đầu, trẻ khóc luôn luôn là có nguyên do, nhưng một khi bé đã khóc rồi thì dù nguyên do đó không còn nữa (chẳng hạn không thấy bị kích thích, không còn đau nữa) bé cũng vẫn có thể cứ tiếp tục khóc, nhưng ti tỉ thôi, đều đều, không gào lên, thỉnh thoảng nín một chút rồi lại khóc nữa.

Lại thêm, hồi chín tháng, có thể xuất hiện cái thói quen khóc nhè nhè, phát ra một loạt thanh âm đơn điệu có vẻ chẳng nhắm mục đích gì cả, cũng chẳng có nguyên nhân gì cả. Cơ hồ như cái gì cũng có thể làm cho bé khóc được, như bé có một niềm ưu uất nào đó. Thần kinh bé căng thẳng, bé dễ quạu dễ sợ.

Nhưng khi đầy tuổi, tức giai đoạn hôm nay chúng ta cùng nghiên cứu, thì trẻ đã biết phát biểu ý muốn bằng những cách khác ngoài ý muốn bằng những cách khóc. Bé đã bập bẹ được “ba” “mẹ”. Dụng ngữ của bé hồi mười hai tháng thường gồm được hai tiếng để gọi các người thân hoặc đòi ăn uống như “sữa” “nước”.

Như Piaget đã nhấn mạnh, ngôn ngữ không xuất hiện vào đúng một lúc nào của sự phát triển tinh thần như một bộ máy đã lắp sẵn đâu. Mới đầu trẻ bắt chước người lớn mà tập nói lần lần chậm chạp. Bé nghe nhiều lần người lớn nói, bé bắt chước lập lại nhiều lần, lâu rồi mới phát âm được “mẹ” để gọi mẹ.

Chỉ xét mười hai tháng đầu thôi, chúng ta có thể phân biệt được vài giai đoạn trong sự phát triển của ngôn ngữ. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn oa oa: tiếng oa oa của bé chẳng có nghĩa gì cả, chỉ là một cách biểu lộ cảm xúc. Ngay những người lớn, trong vài trường hợp cũng phát những thanh âm tương tự vậy, chẳng hạn khi sợ.

Giai đoạn thứ nhì là giai đoạn phát những đơn âm, vào khoảng cuối tháng thứ nhì: người ta bảo là trẻ líu lo, chớ không phải là nói. Bé líu lo để chơi, vì thấy phát được vài thanh âm, bé thích, phát đi phát lại hoài. Người ta nhận thấy bé thích phát những thanh âm kích thích cả cuống họng lẫn tay. Có điều kì dị là khi bé đã bắt đầu biết nói rồi thì bé không phát được rõ ràng âm R. Thường thường phải đợi tới hai, ba tuổi, trẻ mới có thể nói đúng: “con trâu trắng” chứ không phải “con tâu tắng”.

Nhiều tác giả tự hỏi có thể tùy sự phong phú hay nghèo nàn của các thanh âm, mà đoán trước được trẻ thông minh hay đần độn không. Cơ hồ như không. Pichon bảo trẻ đần độn thì khi líu lo, phát được ít thanh âm, nhưng ngược lại thì không đúng, nghĩa là có những đứa líu lo ít mà thông minh trên mức trung bình. Trẻ líu lo nhiều, cũng chẳng nhất định là thông minh, chỉ có thể chắc rằng bé không đần độn thôi; trái lại có những đứa thông minh rất tầm thường mà líu lo cũng nhiều.

Tới giai đoạn thứ ba: giai đoạn chỉ mới hiểu biết thôi, trẻ chưa nói được, nhưng đã hiểu được một số cử chỉ từ ngữ của ta. Bé có thể hiểu hoặc cử chỉ hoặc từ ngữ, có khi hiểu được cả hai. Xét chung khi ta lớn tiếng bảo bé: “đừng rờ”, vừa nói vừa ra dấu (như đưa ngón tay trỏ lên, hoặc lấy tay khoát khoát) để cấm bé mó vào cái bình bông bằng sứ thì bé đáp lại cái giọng và sự khoát tay của ta bằng cách thụt tay lại, không rờ bình bông nữa, hoặc chụp bình bông thật lẹ, khiến ta không kịp cất bình bông đi.

Chỉ khi nào, ta không cần lớn tiếng, không cần khoát tay mà bé cũng đáp ứng lại như trên thì nó mới thực là hiểu nghĩa.

Và lúc đó là thời bình minh của ngôn ngữ, vào khoảng từ tháng thứ bảy tới tháng thứ chín. Từ khi trẻ mới chỉ hiểu thôi cho tới khi bắt đầu nói được, thời gian dài ngắn khác nhau xa tùy từng đứa : có thể từ vài ngày tới chín tháng. Vậy có thể một đứa mãi tới lúc mười tám tháng mới nói được tiếng đầu mà không phải là đần độn.

Nhưng trong đa số trường hợp, vào khoảng mười một tháng, trẻ nói được tiếng đầu và lúc đầy tuổi trẻ bập bẹ được hai ba tiếng.

Sau cùng chúng ta nên biết thêm rằng những tiếng đầu của trẻ là để diễn tình cảm của bé đối với vật. Nếu đôi khi bé dùng để trỏ vật thì tác dụng này chỉ là phụ.

Cho nên khi bé nói “mẹ” thì không phải chỉ để trỏ mẹ, mà có thể bé còn muốn bảo: “À bé thấy mẹ”, hoặc “Mẹ đi đâu rồi?” hoặc “Bé đòi mẹ” hoặc “Mẹ của bé”.

Tóm lại tiếng nói đầu tiên của trẻ có thể chứa cả vũ trụ của bé.

Trích sách Thế Giới Bí Mật Của Trẻ Em