Trẻ một tuổi rưỡi và thực tại

Trẻ một tuổi rưỡi và thực tại

Một tuổi rưỡi, trẻ bắt đầu xây dựng thực tại.

Câu chuyện hôm nay còn có một nhan đề phụ: sự tạo thành của hình ảnh thân thể. Có vẻ khó hiểu, kì cục; nhưng thực ra câu chuyện sẽ rất lí thú: chúng ta sẽ biết trẻ lần lần có một ý niệm ra sao về bản thân mình.

Chúng ta đã biết rằng mấy tháng đầu, trẻ hòa lẫn với thế giới bên ngoài; nhưng rồi dần dần bé nhận ra được rằng mình cách biệt với người khác, dần dần bé nhận thức được những sự khác biệt giữa mình và các vật chung quanh, giữa cơ thể của mình và cơ thể những người lớn ở chung quanh.

Như vậy, dần dần bé tạo được trong đầu óc bé một hình ảnh về bản thân mình: bé phát kiến rằng ngón tay cái mà bé bú này là ngón cái của mình mà ngón đó thuộc về bàn tay của mình; rằng những bàn chân bé rờ mó để chơi này là bàn chân của mình, và dính liền với các phần khác của thân thể mình. Bé cảm thấy (một cách mờ mờ) rằng bé có thể hướng tay chân của mình về phía nào tùy ý: “khi chìa cánh tay qua bên phải, thì bàn tay cũng hướng về bên phải và mình có thể chụp được cái gạt tàn thuốc ở bên phải.” Và bé tập giữ thân thể cho thăng bằng.

Trước hết bé tập giữ được thăng bằng khi nằm ngửa, nghĩa là bé tập quay đầu qua bên này, bên kia mà thân mình bé không thay đổi chiều hướng, không quay theo cái đầu; rồi tới thăng bằng khi nằm sấp, bé cũng quay đầu qua bên này bên kia, ngóc đầu lên, cúi đầu xuống mà không lăn qua một bên; kế đó, bé tập ngồi, công việc này khó khăn, phải thử và lầm lẫn mấy tháng rồi mới giữ thăng bằng được; mới đầu bé tập ngồi yên không nhúc nhích, sau mới tập vừa ngồi vừa chơi; sau cùng là tập đứng dậy, bé té lên té xuống nhiều lần rồi mới thành công.

Tới đó vẫn chưa xong, bé phải tập giữ thăng bằng mấy năm nữa rồi mới hoàn toàn đứng thẳng người được.

Điều ta nên chú ý là những trò tập mấy tư thế đó để giữ thăng bằng, đồng thời cũng giúp bé có một hình ảnh về thân thể của mình, mà hình ảnh này cực kì phức tạp.

Hết thảy chúng ta đều có một hình ảnh về thân thể mình… Bạn thử nhắm mắt lại, tự tưởng tượng thân thể của mình đi… Bạn thấy gì? Thấy mình đứng xoay mặt về phía mình phải không? Thấy mình mặc quần áo, có đầu, có mình, có tay chân. Vậy là bạn tự tưởng tượng mình hướng về một phía nào đó trong không gian, có một “điểm tựa” nào đó, chứ không phải là chơi vơi trong không trung như bong bóng. Nhưng nếu bạn vẽ hình ảnh của mình như bạn thấy trong óc đó rồi so sánh một cách khách quan với hình ảnh của bạn trong trí óc của bạn bè, bạn sẽ ngạc nhìên lắm, sao mà hình ảnh trong óc của mình với hình ảnh thực khác nhau xa thế. Bạn cũng không thể tin tấm gương của mình được vì hình trong gương đã biến đổi trước do tính chủ quan của mình rồi, nghĩa là bạn muốn thân thể, dung mạo mình ra sao thì nhìn thấy như vậy trong gương.

Như vậy bạn đủ hiểu được khi xét sự tạo thành hình ảnh của thân thể, thì vấn đề cực kì phức tạp. Vì hình ảnh đó không phải chỉ là một bức họa thân thể của ta đâu. Theo một nhà phân tâm học, ông Fenichel, thì từ khi trẻ mới sinh cho tới suốt giai đoạn phát triển về thể chất cùng tinh thần của mình, những hồi kí cùng cảm giác về cơ thể (thân thể bề ngoài và các bộ phận ở trong) của bé có liên quan chặt chẽ với nhau, và những hồi kí cùng cảm giác đó tạo nên hình ảnh thân thể bé trong đầu óc bé.

Vậy hình ảnh của thân thể do những kinh nghiệm có lợi cho bé, như:

  • Tắm rửa, nhờ đó bé cảm thấy những bộ phận mẹ mình kì cọ cho mình,

  • Hôn và vuốt ve, săn sóc, nhờ đó bé biết được các bộ phận: “má là chỗ ba mẹ hôn, tóc là chỗ mẹ chải, mũi là chỗ mẹ chùi, ngoáy, miệng là chỗ mẹ đút cho ăn, v.v…”

  • Các trò chơi, như ru, bồng từ chỗ này tới chỗ khác, đặt bé ngồi trên lòng, cho bé nhẩy trên đùi.

  • Tấm gương mà nhìn vô, lần lần bé nhận ra được mình.

Mà cũng do những kinh nghiệm bất lợi cho bé, như:

  • Đau bụng và bao tử thắt lại vì đói, nhờ đó bé có được ý thức đầu tiên về mình: “mình là một cái gì có cảm giác”.

  • Té: bé thấy rằng đầu mình cứng, đụng vào sàn thì nghe thấy “cộp” một cái, mà đầu dễ đau, phải coi chừng để khỏi đụng; bé cũng phát kiến được rằng té bệt xuống đất thì dễ chịu hơn nhiều là té mà đụng đầu; đít là một chiếc gối thật êm. Bé thấy rằng ngón tay nhỏ xíu này quả thực là của mình vì hể kẹp ngón tay là đau lan tới cả cánh tay.

  • Nên kể thêm các bệnh tật, nhất là một bệnh kinh niên có thể làm cho hình ảnh về thân thể thay đổi hẳn. Một đứa trẻ bị bệnh tê liệt, dù khỏi hẳn rồi, cũng vẫn giữ hình ảnh bộ phận bị liệt trong một thời gian nào đó, vì bộ phận đó đã được chú ý tới chăm sóc lâu, và làm cho bé và người lớn lo lắng. Đứa trẻ đau tim có thể có một ý thức rất sớm về trái tim, bộ phận cần thiết cho sự sống, bé tưởng tượng rằng tim vì quan trọng như vậy cho nên chắc lớn lắm; còn đa số những đứa khác không để ý đến trái tim.

  • Cũng vậy hình ảnh thân thể một bé bị suyễn không giống hình ảnh thân thể một bé bị đau ruột; hình ảnh thân thể một đứa bị căng-xe vẫn đi đi lại lại được khác hình ảnh thân thể một bé bị phổi phải nằm dài dưỡng bệnh hằng tháng.

Vì hình ảnh thân thể của ta trong đầu óc ta không phải là cái gì cố định, bất biến, trái lại nó cũng sinh động như ta. Nó già với ta, ta đau yếu hay khỏe mạnh, thì nó cũng đau yếu hay khỏe mạnh và như trên tôi đã nói nó không khách quan: nó không bao giờ y hệt sự thực.

Cho nên cơ thể có thể già mau hơn hình ảnh về cơ chế. Một người 60 tuổi mà vẫn ăn mặc như hồi 20, không chịu cho tóc bạc đi, mà đem nhuộm. Vậy sự tạo thành hình ảnh đó theo một diễn tiến. Chúng ta xét xem sự diễn tiến đó ra sao từ khi trẻ mới sinh cho tới lúc bé được một năm rưỡi.

Chúng tôi sẽ dùng phản ứng của trẻ trước tấm gương để tìm hiểu sự diễn tiến đó vì những phản ứng này dễ nhận được và cho ta biết được trẻ tới giai đoạn phát triển nào thì biết về thân thể mình ra sao.

Một nữ sinh viên theo môn tâm lí, trong khi nghiên cứu các trẻ nuôi trong các cơ quan công cộng, ngạc nhiên nhận thấy rằng các trẻ mồ côi (con trai từ 5 tới 6 tuổi) rất thích trò chơi này: nhìn hoài hình ảnh của mình trong một chiếc gươm nhỏ xíu như búp bế. Lần đầu tiên thấy hình ảnh của chúng, chúng ngạc nhiên thốt lên: “Ủa bé Xuân này” (tên của đứa nhìn trong gương) hoặc “bé Thanh này” rồi chúng làm đi làm lại, cố nhìn hình ảnh tất cả các phần trên thân thể chúng.

Trong gia đình bình thường thì ngay từ năm thứ nhất trẻ đã nhìn được trong gương rồi mà dần dần tự phát kiến thân thể nó.

Hồi hai, ba tháng, cho bé soi gương, bé chẳng phản ứng gì cả, ngó mông lung rồi quay mặt đi liền, nhìn người bồng mình mà mỉm cười; hồi sáu, bảy tháng, trái lại, bé hơi ngạc nhiên mỗi khi bắt gặp hình mình trong tấm gương. Và từ tháng thứ mười trở đi, bé chĩa tay về phía hình của mình, đụng phải mặt gương nhẵn mà ngạc nhiên. Lúc đó bé lẫn lộn hình ảnh với người thực: bé cho rằng đứa bé trong gương kia có thực, và có khi bé đưa tay ra phía sau tấm gương để rờ đứa bé kì cục bé thấy trước mặt mình đó. Ngay hồi một tuổi, thường thường trẻ vẫn chưa biết mình là ai, nên không tự nhận ra được, vẫn đòi bắt đứa bí mật cứ trốn hoài sau tấm gương đó. Nhưng khoảng 15 hay 16 tháng bỗng nhiên bé nhận định được rằng hình trong gương chỉ là hình ảnh của mình. Làm sao chúng ta biết được như vậy? Giản dị lắm: đứa nhỏ nhìn trong gương thấy có một vật gì ở trên đầu mình thì không đưa tay về phía tấm gương để chụp vật đó, mà đưa tay lên chính đầu mình; như vậy rõ ràng là bé biết rằng vật nhìn thấy trong tấm gương không phải ở trong tấm gương mà ở chỗ khác (trên đầu mình) nên bé mới đưa tay chụp ở chỗ này.

Nhưng thường thường phải đợi một năm rưỡi trẻ mới nhận được hình ảnh của mình trong gương và lấy tên mình mà gọi tên hình của bé.

Mặc dầu phân biệt được như vậy rồi, hồi một năm rưỡi, bé chỉ biết một phần thân thể mình thôi và phần đó cũng không thích hợp lắm với thực tại. Do vậy mà chúng ta biết được điều ấy: đứa bé từ 18 đến 20 tháng, tuy thường nhìn trong gương, và biết rằng đó chỉ là một hình ảnh thôi, nhưng vẫn chưa tự nhận ra ngay hình của mình trên một tấm hình được. Bé nhận ra rất mau những người trong nhà: “Ba nè, mẹ nè, cô Tư nè”, nhưng nhìn hình của mình thì bé hỏi: “Đứa nào đó?”; và hồi hai tuổi, nó có thể nói thêm: “Đứa đó cầm trái banh của con!”.

Vì trên tấm hình, thiếu những yếu tố thời gian và cử động; trên tấm gương, bé thấy mình cử động, tiến, lùi, quay qua bên này bên kia, thì hình trong gương cũng làm theo, lại thêm bé thấy hình của mình ngay lúc đó, cũng đội cái nón đó, đi đôi giày đó. Trên tấm hình thì lại ăn mặc khác, ở vào một lúc khác, cho nên nhận được ngay những người khác (những người này bé vẫn biết rõ hơn là biết chính mình) mà không tự nhận ra được mình.

Trích sách Thế Giới Bí Mật Của Trẻ Em