Trẻ chín tháng tuổi

Trẻ chín tháng tuổi

Đứa trẻ chín tháng và quyền trẻ con.

Kì trước chúng ta đã nghiên cứu đứa trẻ ba tháng; kì này chúng ta nghiên cứu đứa trẻ bốn mươi tuần. Nhảy một bước sáu tháng như vậy, xa đấy, cho nên thỉnh thoảng chúng ta sẽ phải xét trở lùi lại. Về phương diện cử động, đứa trẻ chín tháng ở vào khoảng giữa đường đứa trẻ bảy tháng đã biết ngồi được hơn một phút khỏi phải đỡ, và đứa trẻ mười lăm tháng đã bắt đầu lon ton được rồi.

Vì hồi chín tháng, trẻ vịn vào thành giường mà đứng dậy được rồi, bé tập thêm được một lối chuyển động nữa mà thế giới của bé mở rộng thêm lạ lùng. Hồi bốn chục tuần, bé bắt đầu biết bò, thành một con vật bốn cẳng lúc nào cũng xê dịch, hoặc một chiếc thủy lôi nhỏ lăn từ chỗ này tới chỗ khác. Vì như Gesell đã nhấn mạnh, ở tuổi này, trẻ thích những vận động mạnh bạo: bé thích ngồi, cúi xuống phía trước, ngẩn lên, vịn thành giường đứng dậy rồi ngồi phịch xuống, lại đứng dậy, bò đi thám hiểm khắp phòng; bé thích lăn qua một bên, nằm sấp, bò, ném đồ chơi xuống bắt người lớn lượm lên cho bé cả trăm lần. Mới tập được những trò đó, bé thích vô cùng! Cũng may không phải trò nào cũng mạnh bạo như vậy hết, đồng thời bé còn tập được những khả năng vận dụng tay chân càng ngày càng khó hơn. Chẳng hạn ngón trỏ của bé bắt đầu có công dụng phân tích và chiếm hữu rồi, nghĩa là khi thấy một vật nhỏ, chẳng hạn một cái nút áo, thì bé không đưa cả bàn tay ra chụp nữa mà chỉ đưa ngón tay trỏ ra rờ, đẩy đi đẩy lại xem sao – bé phân tích đấy – rồi cong ngón trỏ và ngón cái lại, đưa ra kẹp, nhón. Có thể nói rằng bé đã bắt đầu biết “lượm” những vật nhỏ và bé thích nhận xét những chi tiết nhỏ lắm. Bé có thể chăm chú nhìn mấy phút liền cái mũi của một bà cô lại chơi vì thấy trên mũi có một vết tàn nhang; bé để ý tới chiếc nhẫn hơn là tới bàn tay, bé thích ngó nút áo hơn là chiếc áo.

Vũ trụ bé mở rộng nhờ biết bò, mà cũng thay đổi nữa, nhờ bé có thêm được một số khả năng trí tuệ. Chúng ta cần biết sự phát triển của trí khôn về cảm giác và vận động của bé. Nhưng hôm nay, chúng ta hãy nhờ Piaget hướng dẫn một lần nữa, tìm hiểu xem đứa bé chín tháng xây dựng thực tại ra sao. Vì thực tại không phải hiện ra đầy đủ với trẻ một lần một đâu, mà trẻ phải từ từ, đôi khi khó nhọc nữa, tự nhận ra, tự dựng lấy, và phải mất nhiều năm bé mới nhận định được thế giới như người lớn chúng ta.

Chúng ta đã biết rằng từ sáu tới tám tháng, vũ trụ của trẻ mới chỉ là một loạt những hình có màu sắc, có thanh âm, những hình đó không có tính cách bất biến chỉ thực thể hóa lần lần trong ý thức của trẻ thôi. Vì hồi đó những hình đó như từ chỗ hư không xuất hiện ra trong khi trẻ hoạt động rồi lại trở về cõi hư không khi trẻ thôi hoạt động. Trẻ khóc: hình mẹ hiện ra. Trẻ nín: mẹ ra khỏi phòng, thế là hình mẹ trở về cõi hư không. Đứa trẻ từ sáu tới bảy tháng không thể tưởng tượng được rằng người mẹ mà bé không nhìn thấy, không rờ thấy, không nghe thấy, thực ra vẫn còn đó mà ở xa bé, ở chỗ khác. Trên kia tôi nói rằng đối với trẻ, các hình không có tính cách bất biến là nghĩa vậy; bé không tin rằng các hình đó còn tồn tại khi bé không thấy nữa.

Bé chỉ biết rằng các “hình mẹ” là để cho nó “sử dụng” nghĩa là hễ bé la hay khóc chẳng hạn là các hình đó hiện ra liền, thành thử khi bé la hay khóc mà không thấy hiện ra hình mẹ, hình ba, hoặc hình vú nuôi, hoặc hình bầu sữa, là bé lo lắng, hoảng sợ nữa. Vũ trụ của nó bé thường làm sao! Có những trẻ thần kinh suy nhược không bao giờ tin rằng thực tại có tính cách bất biến: chúng không thể rời mẹ ra được vì hễ rời khỏi mẹ ra, không trông thấy, nghe thấy, rờ thấy mẹ nữa, là chúng tưởng rằng mẹ không còn nữa; dù lớn rồi mà vũ trụ của chúng vẫn mong manh, không vững chắc như vũ trụ của một em sáu hay bảy tháng.

Nhưng từ tháng thứ chín, vũ trụ giác quan của trẻ đã thay đổi, bé bắt đầu cho rằng các vật vẫn còn hoài, bất biến. Chứng cớ là vào khoảng đó, hễ một vật nào biến mất thì chẳng những bé tìm ở chỗ trước kia vật đó xuất hiện, mà còn tìm ở những chỗ khác nữa. Trước kia, hễ không thấy một vật nào, chẳng hạn ta bỏ trái banh vào trong một cái hộp kín trước mặt bé thì bé không tìm tòi, không lật nắp hộp ra coi, bé cho rằng trái banh không còn nữa, mất rồi. Hồi chín tháng, trái lại, nếu dựng một vật gì cứng để che khuất một đồ chơi bé thích, như một em búp bê chẳng hạn, thì bé gạt đồ che đó đi để tìm lấy con búp bê, vậy là bé biết rằng tuy bé không thấy con búp bê, chứ con búp bê vẫn còn đó. Đó là một tiến bộ rất lớn; trẻ chín tháng chỉ tìm một vật ở chỗ bé thấy trước thôi. Như vậy là nghĩa làm sao?

Ngay trước mắt một em bé chín tháng, chúng ta dựng một tấm các tông A để che khuất một đồ chơi mà bé rất thích. Bé nhìn chúng ta làm, rồi hất tấm các tông đi đi để chụp đồ chơi. Chúng ta làm lại nhiều lần, lần nào kết quả cũng vậy. Bây giờ chúng ta dựng thêm một tấm các tông nữa, tấm B, rồi giấu đồ chơi ở phía sau tấm này, vấn đề hóa rắc rối thêm. Đứa bé cũng chăm chú theo dõi các cử động của chúng ta. Nhưng bé chỉ hất tấm các tông A để tìm đồ chơi thôi, chứ không biết tìm sau tấm B. Là vì bé đã tìm thấy đồ chơi ở sau tấm A thì tưởng rằng đồ chơi sẽ luôn luôn ở sau tấm A!

Ví dụ đó cho ta thấy vũ trụ của trẻ khác vũ trụ của người lớn chúng ta tới mức nào: nó di động không định, mỏng manh, tự chỉnh đốn lại lần lần thôi. Mà chính người lớn chúng ta thường làm cho vũ trụ đó chỉnh đốn mau lên hay chậm lại. Do đó mà chúng ta cần biết những nhu cầu căn bản của trẻ hồi tám hay chín tháng.

Một y sĩ Anh, bà Margaret Ribble xuất bản một cuốn sách nhỏ nhan đề là The Rights of Infants (Quyền Của Trẻ Con), đã được tái bản rất nhiều lần, đủ biết được hoan nghênh ra sao. Trong cuốn đó tác giả đã phân loại các quyền căn bản của trẻ con. Có nhiều thứ quyền, chúng ta không thể kể hết ở đây được, chỉ cần nhớ rằng quyền thứ nhất, thiết yếu nhất, là quyền có mẹ, nói cho đích xác hơn, là quyền có mẹ ở bên cạnh một cách bất biến.

Như vậy không có nghĩa là trẻ chỉ cần được nuôi nấng, săn sóc mà thôi, bé còn cần có một người yêu bé, người đó là mẹ hoặc một người khác (vú nuôi, cô, dì) có thể hoàn toàn thay mẹ được. Chư vị bảo trong một gia đình bình thường, trẻ chín tháng được bú, ăn đậu và khoai nghiền nhừ, được tắm rửa, thay quần áo, chẳng đủ rồi sao? Dù là người mẹ hay một người vú mỗi tháng thay đổi một lần, thì cũng vậy, miễn có người chăm sóc cho bé là được chứ gì? Quan trọng gì cái đó? Thưa trái lại, cực kì quan trọng đấy.

Chúng ta đã biết tuổi đó, vũ trụ của trẻ bắt đầu ổn định rồi: trẻ bắt đầu thấy các vật có tính cách hằng cửu, bất biến, bé phân biệt được người quen với người lạ, rất dễ cảm thấy tình yêu, lòng ghét hay thản nhiên của ta, thành thử bé dễ bị kích thích lắm. Bé mới tập được một số cử động, tình cảm, trí tuệ bé mới bắt đầu phát triển, mà chưa quen, chưa phối trí được, cho nên nó dễ mắc cỡ, lo ngại. Ban đêm bé dễ tỉnh giấc, chỉ hơi thay đổi thói quen là bé thấy khó chịu rồi, cho nên trong giai đoạn đó, bắt bé phải xa mẹ trong một thời gian lâu thì thực là nguy hiểm.

Ông René Spitz mà tôi đã có lần nhắc tới đã nhận thấy rằng từ hồi bảy tháng một số trẻ phải xa mẹ hơn một tháng thì hóa ra trầm uất. Tôi nói một số thôi vì không phải trẻ nào cũng phản ứng như vậy. Sự trầm uất đó gồm ba giai đoạn.

  • Vài ngày sau khi bà mẹ đi khỏi, đứa trẻ mất ngủ, cơ thể uể oải, và lạ lùng thay, bé hóa ra dễ làm quen, dễ thương hơn, thấy người nào đi qua cũng bám lấy, cố làm cho người đó chú ý tới bé.

  • Ít lâu sau, người ta thấy bé rất dễ bị những bệnh về cơ thể: sưng ruột, nôn mửa hoặc cả bệnh phế viêm nữa. Đồng thời bé hết dễ thương, hễ gặp người lớn là quay đi, không để cho ai săn sóc, mà khóc hoài, không khóc lớn, chỉ ti tỉ thôi.

  • Sau cùng qua giai đoạn thứ ba, bé vẫn quay mặt đi khi thấy người lớn, lại ném cả đồ chơi đi nữa: bé lãnh đạm với mọi người, mọi vật, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài nữa, cứ nằm hay ngồi trong giường, như vô cảm giác, mất tinh thần, thiêm thiếp, mắt lờ đờ…

Và đứa bé cứ tiếp tục tiều tụy dần dần, nếu mẹ nó không về, hoặc không kiếm được người thay mẹ. Nếu mẹ về kịp trước khi quá trễ, thì thực là một sự hồi sinh: đứa bé ham sống trở lại, lấy đồ chơi ra chơi, quay trở về với thế giới bên ngoài. Nhưng có vài đứa nhỏ vì bị xa mẹ vào một lúc khó chịu cho bé nhất, lại không được chuẩn bị kĩ, nên không bao giờ vui trở lại được.

Vậy quyền có mẹ là một quyền tuyệt đối của trẻ, cũng thiết yếu như quyền sống của nó.

Ngoài ra, ở tuổi đó, quyền có cha chỉ tùy thuộc vào quyền có mẹ thôi. Hồi chín tháng, trẻ chỉ cần có một người yêu bé thôi: tình yêu của mẹ có thể làm cho bé hoàn toàn thỏa mãn rồi. Thành thử nếu nó cần có cha nữa, phần lớn chỉ vì mẹ bé cần có chồng ở bên cạnh để đóng vai làm cha cho con. Không được chồng giúp, mẹ đứa bé không được yên lòng, không vui, và do đó có thể không làm trọn nhiệm vụ với con.

Trước hết, người đàn bà cần có chồng giúp đỡ về vật chất: khi mệt mỏi chẳng hạn, chồng pha sữa cho con bú, tức là an ủi vợ được nhiều. Nhưng quan trọng nhất vẫn là khía cạnh tâm lí. Người đàn bà sinh con đầu lòng, bỗng nhiên thấy có vô số việc bận bịu suốt ngày, mà nhiều việc chẳng thích thú, cần tới trí tuệ gì cả: nấu bình sữa, pha sữa, ủi đồ, v.v… Chồng tiếp tay vợ trong những việc đó (dù là thay nệm cho con, dỗ con nín), tức là làm cho những việc lặt vặt đó hóa ra có giá trị. Người vợ sẽ nghĩ: chồng mình “con người thông minh” mà còn làm những việc đó thì những việc đó đâu phải là vô nghĩa.

Lại thêm, đó cũng là một cách chồng hợp nhất với vợ trong sự đào tạo đứa nhỏ, tỏ với vợ rằng mình chấp nhận nhiệm vụ mới của mình, hoàn toàn nhận đứa con là của vợ và của mình. Người vợ nào rất mực yêu chồng cũng muốn chồng yêu mình vì mình là mẹ, sinh đứa con cho chồng, và muốn cảm thấy rằng chồng sung sướng vì được làm cha, sung sướng mà cũng mang ơn vợ nữa.

Trích sách Thế Giới Bí Mật Của Trẻ Em