Trẻ hai tuổi và tiếng “không” đầu đời

Trẻ hai tuổi và tiếng "không" đầu đời

Cái ý muốn “làm lấy”, không phải tùy thuộc người mạnh hơn mình nữa, là một trong những xu hướng đâm rễ sâu nhất trong lòng người. Ý muốn độc lập đó là sức thúc đẩy trong sự phát triển tâm lí của trẻ. Chính vì ý đó mà đứa bé một buổi sáng kia, bỏ bàn tay người lớn ra hoặc không vịn vào bàn vào ghế nữa mà lủi thủi bước một mình. Chính ý đó cho ta hiểu tại sao đứa trẻ 18 tháng đưa tay hất một chồng khúc gỗ mà người lớn mới chất lên thành một cái tháp cho bé chơi. Cũng chính vì ý muốn đó mà trẻ hai tuổi một mực nói “không, không”, trẻ ba tuổi lẩn trốn cha mẹ, trẻ sáu tuổi có những trò chơi kì cục, nguy hiểm, trẻ mười tuổi họp bọn với nhau, đùa giỡn, phá phách, và thiếu niên phản kháng lại gia đình, xã hội v.v…

Phá cái xu hướng tự do, độc lập đó là diệt sức hoạt động của trẻ, làm cho bé thành ra thụ động, có ai bắt buộc hay thúc đẩy thì mới chịu tiến. Lúc nào những sức đó ngưng hoạt động là lúc đó trẻ không lớn lên nữa.

Vậy cha mẹ rất cần nhận thức cái ý muốn “làm lấy” đó mà trẻ bình thường nào cũng có, lại nên lợi dụng nó, đừng ngăn cản, hạn chế nó, vì nó là nền tảng cho sự giáo dục trẻ em. Nuôi con, dạy con tức là tập cho bé thành một người độc lập, tự do về mọi phương diện: thể chất, tinh thần và đạo đức.

Nhiệm vụ đó không dễ đâu, vì trong lòng con người còn có một xu hướng nữa ngược với xu hướng trên. Vì đồng thời với ý muốn độc lập, lại còn cái ý muốn tùy thuộc nữa cũng đâm rễ sâu không kém trong lòng chúng ta. Con trẻ muốn tùy thuộc mẹ, hòa hợp với mẹ thì người lớn, đã trưởng thành rồi, cũng vẫn cần dựa vào người khác, tan hòa vào một cái gì lớn mạnh hơn mình, tự ủy thác cho cái đó mà khỏi thấy cô liêu. Chính cái nhu cầu tùy thuộc người lớn đó, làm cho đứa trẻ ăn một mình được khi vắng mẹ, mà hễ có mặt mẹ thì đòi mẹ đút cho từng muỗng từng muỗng một. Chính nó làm cho đứa bé té chỉ trầy đầu gối một chút, cũng chạy đi kiếm mẹ rên rỉ “đau, đau” mà mắt ráo hoảnh. Cũng chính cái nhu cầu đó làm cho nhiều người ba chục tuổi rồi mà chỉ sung sướng khi có người kiềm chế: hoặc một ông chủ, hoặc sếp, hoặc một sư trưởng coi như bật thầy…

Nhu cầu tùy thuộc đó là một xu hướng tự nhiên, lành mạnh vì con người vốn yếu đuối, không thể không dựa vào xã hội, mà dù có độc lập hoàn toàn thì cũng không thể không dựa vào đấng tối thượng tâm linh.

Chỉ khi nào một trong hai xu hướng kể trên, độc lập và tùy thuộc, mạnh quá hoặc yếu quá, thì mới là thần kinh suy nhược. Chẳng hạn người nghiện rượu là một kẻ bệnh hoạn, không tự chủ được; người luôn luôn phản kháng cũng vậy.

Vậy, có một sự xung đột bình thường giữa hai xu hướng trái ngược nhau đó, xung đột từ khi con người mới sanh cho tới khi chết. Muốn hiểu tâm lí trẻ em thì phải biết những giai đoạn chính của sự xung đột đó.

Chúng ta biết rằng, hồi mới sinh, trẻ hòa lẫn với thế giới bên ngoài. Bé không có cá tính riêng, bé không biết mình là ai, không biết cả thân thể mình nữa, và phải tháng sau, nhiều năm sau bé mới phân biệt nhiều được mình với người khác.

Vì phải đợi tới khi đó được hai tuổi rưỡi hay ba tuổi rồi bé mới phân biệt được ngôi thứ nhất (tao, tôi) với ngôi thứ nhì (mày, em…). Chẳng hạn khi bạn bé bảo: “tôi tới” thì là bạn bé tới; còn khi nó bảo “tôi tới” thì chính bé phải tới; khi bạn bé bảo: “mày tới” thì là bạn nó muốn cho chính nó tới; còn khi bé bảo “mày tới” thì là chính bé muốn cho bạn mình tới. Cái trò dùng đại danh từ đó thực ngược đời, rắc rối quá chừng; và muốn dùng được tiếng “tôi” thì trẻ phải có một ý niệm nào đó về cá nhân của mình đã. Có vài đứa trẻ không bao giờ dùng đúng được tiếng “tôi” và tiếng “mày, em…” và suốt đời hễ muốn nói về chúng thì chúng dùng ngôi thứ ba: “Xuân đói bụng” hoặc “Thanh khát nước”.

Và chẳng những trẻ phải học trong đầu óc mình, nghĩa là dùng trí tuệ rằng mình là một cá nhân khác những cá nhân khác, mà bé còn phải nhận thức trong lòng mình, nghĩa là bằng cảm xúc – rằng mình có thể cảm thấy và có ý chí khác người lớn, nhất là khác mẹ mình mà từ trước tới giờ bé vẫn hoà hợp làm một. Nghĩa là bé phải tập độc lập. Cái thói luôn miệng nói “không, không” của trẻ hai tuổi chỉ là một cách đòi được độc lập, cách đó thô thiển mà làm cho người lớn rất bực mình.

Ở đây tôi cần nói rõ để bạn khỏi hiểu lầm trong kì này cũng như trong các kì sau, khi tôi nói đến tuổi của trẻ, không phải là nói về tuổi theo ngày tháng đâu mà nói về tuổi tâm lí, nghĩa là không bảo trẻ được bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng, mà muốn bảo trẻ ở trong giai đoạn phát triển nào. Có thể rằng một đứa bé nọ bắt đầu từ mười tám tháng đã có thói nói “không, không” rồi, và tới 24 tháng thì thói đó đạt tới mức cao nhất, còn đa số các trẻ khác, thói đó xuất hiện hồi 24 tháng và đạt tới mức cao nhất hồi 30 tháng. Mỗi trẻ một khác, có đứa sớm, có đứa muộn, nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là sự kế tiếp của các giai đoạn, mà sự kế tiếp này bất biến, nghĩa là luôn luôn giai đoạn cự tuyệt “không, không” tiếp theo một giai đoạn thụ động, bảo sao nghe vậy; rồi sau giai đoạn cự tuyệt, lại tiếp theo một giai đoạn thụ động, dễ bảo nữa.

Nhưng muốn dễ trình bày, chúng tôi theo tiêu chuẩn tuổi mà Gesell đã định, những tiêu chuẩn đó áp dụng vào đa số trường hợp được.

Vì vậy mà chúng tôi nói tới thói cự tuyệt “không, không” của thời hai tuổi.

Trước giai đoạn bực mình cho ta đó là giai đoạn trẻ gần hoàn toàn nhu mì, tùy thuộc ta. Thái độ của đứa bé hồi 20 tháng thật đặc biệt. Khi có một bạn trẻ, thì bé không lại họp bọn với chúng đâu mà đi kiếm đồ chơi rồi trở về với người lớn. Bé ngượng nghịu một lát, rồi chơi một mình với các đồ chơi, thỉnh thoảng ngừng lại ngó hoạt động của các đứa khác. Cơ hồ bé không làm gì khác là “ngó” một cách thụ động. Và khi bé bỏ cái thái độ chơi một mình và thụ động đó thì thường là để tự vệ. Mới đầu, bị đứa nào giật mất đồ chơi, bé chỉ biết khóc hoặc gọi mẹ, hi vọng rằng như vậy đứa kia sẽ trả mình đồ chơi, nếu không vậy thì nó đành chịu thua, không chiến đấu gì cả. Ít lâu sau, trái lại, bé giữ chặt đồ chơi, hoặc đứa kia đánh bé thì bé đánh lại. Mà thời đó bé chỉ có bốn cách tự vệ: cắn, đá, xô đẩy hoặc cầm một vật gì mà đập.

Đối với người lớn, đứa trẻ 20 tháng cũng có thái độ rất tùy thuộc. Bé năn nỉ hoặc thầm mong người lớn giúp mình mặc quần áo, thay quần áo, tắm rửa, đi tiểu, đôi khi giúp bé chơi nữa. Bé mong được người lớn chơi đùa với mình, mong được nhận đồ chơi, được đút ăn, thành thử những lúc bé hoạt động tự do thật hiếm và ngắn ngủi.

Từ hồi 21 hoặc 22 tháng, bắt đầu giai đoạn biến chuyển, nửa tùy thuộc, nửa độc lập, rồi thái độ độc lập tăng lần lên tới hồi hai tuổi thì thành thái độ một mực cự tuyệt “không, không”, thái độ này thường đạt tới mức cao nhất vào hồi hai năm rưỡi.

Người ta hỏi bé cái gì nó cũng đáp “không”, “con yêu ba không?” – “không” ; “yêu mẹ không?” – “không”. Người ta đề nghị với bé cái gì, bé cũng đáp “không”. “Muốn đi chơi không?” – “không” ; “muốn về nhà không?” – “không”. Cái gì cũng “không”… Cơ hồ như trong dụng ngữ của bé không có tiếng “có”. Đôi khi bé thơ thẩn một mình, đầu lắc qua bên này bên kia, miệng thì lặp đi lặp lại “không, không, không…”

Bé không chịu bận áo, không chịu cởi áo. Trước kia, hễ mót bé đã biết đòi người lớn cho nó ngồi “bô” rồi, bây giờ bé đái trong quần, hoặc cố nhịn. Bữa ăn mới thật bi đát. Bé biếng ăn, thường không chịu ăn, ba bữa mới có một bữa bé ăn nhiều. Bé cũng không muốn đi ngủ nữa, nhưng một khi đã ngủ rồi thì khó mà đánh thức bé dậy. Trong cả cái thời trước tuổi đi học (vào sáu tuổi), hồi này là hồi khó chịu nhất cả cho bé lẫn cho người lớn.

Vậy mà thói cự tuyệt đó lại là dấu hiệu một sự tiến bộ trong sự phát triển tinh thần của trẻ, tới nỗi thiếu dấu hiệu đó thì phải coi là điều đáng ngại: đứa bé nào hai năm rưỡi mà vẫn tùy thuộc, thụ động hoài, không biết cái giai đoạn “không, không, không” đó thì sau này sẽ thành một đứa bất thường, rắc rối đấy.

Nhưng làm sao nói được rằng thói cự tuyệt đó lại là một dấu hiệu tiến bộ? Tiến bộ là vì trẻ hai tuổi đã có khả năng đưa một phán đoán phủ nhận: “A không phải là B.”, phán đoán đó dễ hơn là phán đoán xác nhận: “A là cái này”. Về phương diện hoạt động cũng vậy, mới đầu trẻ có thái độ cự tuyệt để xác nhận sự độc lập của mình, như vậy một thời gian lâu rồi mới có được tinh thần tự do, có thể nói “có” với người lớn mà vẫn giữ được ý chí của mình.

Hồi hai tuổi, khi bé nói “không” là bé tách ra khỏi người lớn; đó là một cách bé tự phát kiến ra được chính nó. Thực ra bé không cự tuyệt điều người ta bảo bé làm đâu, bé cự tuyệt cái thái độ sai bảo của người lớn. Bé cự tuyệt vì trước hết bé muốn làm lấy, bé muốn tự nó quyết đinh lấy. Bảo bé cởi áo thì bé không cởi, cứ để mặc bé, đừng nhắc thì bé sẽ cởi. Thái độ cự tuyệt đó cũng do bé cảm thấy rằng mình bất lực… Bé muốn làm chủ cuộc đời của mình mà không được; cho nên thấy bé cự tuyệt mà ta phạt bé thì bé nổi quạu lên: sự trừng phạt của ta chỉ làm cho bé càng tự cảm thấy yếu ớt, và bé phản ứng lại một cách cũng bất lực, là nổi giận.

Vậy người lớn phải khéo đóng trò với đứa bé hai tuổi, hai tuổi rưỡi, cố chiều ý bé khi bé phản kháng, vì bé đương ở trong một giai đoạn dao động. Để cho bé tự ý làm “cái gì phải làm”, chứ đừng ra lệnh cho bé. Thời này chỉ nên bắt buộc bé phải làm những cái gì thật cần thiết thôi, mà càng ít ra lệnh càng tốt. Không phải lúc để tập cho bé vâng lời; ép bé làm nhiều điều trái ý bé quá thì chỉ càng làm cho bé thêm cự tuyệt rồi thành thói quen phản kháng; cứ dễ dãi với bé thì qua giai đoạn khó khăn đó rồi, tự nhiên bé sẽ dễ bảo. Vậy không nên bắt bé làm “cái gì bé không muốn” mà nên dụ cho bé muốn làm “cái gì bé phải làm”. Bé Mai không chịu ngồi trên chiếc ghế cao này ư? Ta lấy một cái đĩa úp lên chén bột của bé; bé tò mò coi và quên phản kháng, ngồi xuống ghế. Ba ngày sau lại phải tìm một cách khác ư? Dĩ nhiên rồi. Nhưng chỉ bà mẹ nào có nhiều sáng kiến, chịu khó đóng cái trò đó, mới qua được cái giai đoạn khó chịu đó của con mà khỏi phải bạc đầu.

Trích sách Thế Giới Bí Mật Của Trẻ Em