Trẻ ba tháng tuổi

Trẻ ba tháng tuổi

Trẻ ba tháng tuổi đã khác xa hồi bé mới sinh.

Chẳng hạn khả năng cử động của bé trong ba tháng đã nhảy vọt một bước vĩ đại, ra khỏi cái khung cứng ngắc hồi một tháng. Đầu bé cử động dễ dàng hơn, quay qua bên này, quay qua bên kia thường xuyên hơn, đến nỗi có khi tóc ở sau ót bé rụng, thành một mảnh hói hình bầu dục, hơi kéo dài về phía bé thích quay qua. Bàn tay bé bây giờ đã mở ra nhưng ngón tay chưa duỗi thẳng; bé thường chắp tay đưa lên khỏi mặt, và thỉnh thoảng bàn tay nọ mân mê bàn tay kia: thế là bé biết rờ và được rờ. Đó là cách thứ nhất bé tự khám phá ra bé. Nếu ta đặt vào bàn tay bé một vật gì, một cây viết chì, một đồ chơi, một cái vòng thì bé nắm lấy, ngó rồi đưa lên miệng, còn tay kia ráng chụp vật đó. Vì bé chưa biết phối trí cử động của tay với mắt, nên chưa chụp được vật mắt bé thấy, có chụp được thì là do hú họa.

Ngoài ra bé còn tập được một cái lợi ích bậc nhất cho bé là giữ đầu cho ngay, không ngoẹo qua bên này hay qua bên kia khi ta dùng gối chẹn hoặc lấy tay giữ mình bé cho yên. Bà mẹ nào cũng biết vào khoảng đó bé không thích nằm nữa mà đòi ngồi.

Tôi cần nói ngay rằng từ mấy tháng đầu, trẻ đã có thể bực mình mà khóc nếu không được ở trong một tư thế đặc biệt nào đó mà bé thích. Và mỗi thời bé lại thích một tư thế riêng. Tư thế đó không phải là tư thế thoải mái nhất đâu, mà là tư thế bé mới được biết, có thể là một tư thế người lớn đặt bé vào, chứ tự bé chưa có được. Chẳng hạn bé muốn ngồi từ lâu trước khi bé tự ngồi được, khỏi phải đỡ; bé muốn đứng từ trước khi tự đứng lấy được, khỏi phải giữ; bé muốn đi từ trước khi biết đi, khỏi phải vịn. Nhưng trẻ ba tháng rưỡi thì chỉ mới biết thích tư thế “ngồi có người đỡ”.

Vậy tuổi đó, bé bắt đầu bỏ cái thế giới của bọn nằm dài rồi, mà đồng thời khu vực bé có thể nhìn được mở rộng ra lạ lùng, trước kia bị hạn chế, nay hóa ra vô biên. Nhưng chư vị hỏi tôi, hồi mười sáu tháng bé nhìn khắp được đấy, mà thấy được những gì? Muốn hiểu được vũ trụ trong mắt nó lúc đó, chúng ta cần phải trở lui lại một chút mà xét vài giai đoạn bé đã vượt qua. Jean Piaget, nhà tâm lí Thụy Sĩ nổi danh sẽ hướng dẫn chúng ta.

Chúng ta biết rằng mới lọt lòng mẹ, trẻ đã thấy ánh sáng và phản ứng lại nếu ánh sáng đủ mạnh. Rồi tới hồi một tháng, theo Piaget, trẻ đã có trước mắt nó những “bức tranh thuộc về giác quan” chưa có chiều sâu, chưa có chỗ nổi, mới chỉ là những vệt hiện ra, di động rồi biến đi, chưa thành hình thể gì cả. Có thể nói rằng vũ trụ đó gồm những trừu tượng tựa như các bức họa của phái siêu-thực: hễ lộn ngược lại thì cả bức họa thay đổi hết; cũng vậy nếu ta thay đổi tư thế của đứa nhỏ (chẳng hạn đặt bé nằm ngược lại, đầu ở chân giường) thì trong con mắt của bé, căn phòng hoàn toàn thay đổi, bé sẽ thấy một cảnh tượng hoàn toàn mới.

Vì những bức ảnh thuộc về giác quan đó không phải là đồ vật, không phải là những bức riêng biệt, độc lập, cũng không được là những hình ảnh có ý nghĩa nữa. Vậy một đứa trẻ hai ba tháng ngắm nghía hồi lâu một tấm thảm nhiều màu, một tấm màn phất phất dưới gió mà chẳng biết mình đang nhìn cái gì cả. Thời đó là thời nhìn để nhìn thôi.

Nhưng bắt đầu từ tuần lễ thứ năm, đứa trẻ tiến lần lần tới một thị giác có đối tượng hơn. Chúng ta nhận thấy bé bắt đầu ngó riêng một số vật nào đó, và số này mỗi ngày mỗi tăng. Mới đầu bé không để ý tới những cái đã “biết rõ quá rồi” (vì có thể nói là bé chán rồi), cũng không để ý tới cái gì mới quá (vì đối với bé chẳng có nghĩa gì cả), bé cũng bỏ qua những vật ở xa quá, hoặc nhỏ quá không nhìn kĩ được, hoặc lớn quá không thể phân tích kĩ được.

Thành thử những hứng thú về thị giác của bé mở rộng lần lần theo những vòng đồng tâm, như khi ta ném một hòn đá xuống mặt hồ. Trước kia bé chỉ ngó qua tấm thảm, bây giờ bé mới nhìn kĩ, thích các chi tiết trên thảm: những người chăn dê, những con chó màu xanh, những con dê màu đỏ v.v… Vì chú ý tới vài hình nào đó, bé hóa ra chú ý luôn tới tất cả những hình khác, bé bắt đầu so sánh: tóc của bà nội khác hẳn tóc của mẹ, và mẹ hôm nay mặc một cái áo mới làm cho bé thấy lạ, ngắm nghía từng chút.

Vậy đứa bé ba hoặc bốn tháng nhìn không phải để nhìn nữa mà để thấy, và sự tập trung thị giác đó giúp bé phân biệt được cái hình duy nhất là “mặt người” trong vô số hình ảnh hiện ra trước mắt bé.

Làm sao chúng ta biết chắc được trẻ biết nhận mặt người ? Piaget viết : “Ngay từ khi đứa trẻ biết mỉm cười và phân biệt được bộ điệu (để diễn ý nghĩ) với sự biểu lộ xúc cảm của bé, thì chúng ta có thể phân tích được sự nhận định của bé mà không sợ sai lạc lắm”. Và nụ cười của bé phát hiện như sau.

Tiến sĩ Spitz và Wolfe đã làm những thí nghiệm rất lý thú để tìm hiểu sự phát triển của lối biểu lộ tình cảm mà chỉ loài người mới có đó, tức nụ cười. Hai ông đã lựa 251 em bé, trai và gái, trong châu lục khác nhau để thí nghiệm. Trẻ được đặt trong một khung cảnh quen thuộc với bé, nhưng mẹ lánh mặt đi. Một người đàn ông rồi một người đàn bà đứng ở trước mặt trẻ, quay mặt vào bé, mỉm cười từ 5 tới 30 lần, rồi từ từ quay mặt đi, để bé thấy được bán diện của mình thôi. Và người ta nhận thấy rằng từ khoảng ba tháng trở đi, hầu hết các em bé đều mỉm cười để đáp lại nụ cười của người đàn ông hay người đàn bà đó.

Như vậy có nghĩa là hồi ba tháng, hễ ai mỉm cười với trẻ thì trẻ cũng mỉm cười lại. Đứa bé nào cũng phản ứng lại y như nhau, nên Spitz và Wolfe có thể kết luận rằng: “Tới một tuổi nào đó, nụ cười là một lối đáp ứng phổ biến. Về phương diện cảm xúc, ý nghĩa của nụ cười cũng quan trọng như ý nghĩa của một phản ứng về phương diện thần kinh: một đứa bé ba tháng thấy người lớn mỉm cười mà không mỉm cười lại thì sự phát triển về cảm xúc và tinh thần của đứa trẻ đó có điều gì bất thường rồi đấy. Nhưng trẻ tuổi đó mà mỉm cười thì vẫn chưa đủ cho ta kết luận rằng tinh thần của bé quân bình hoàn toàn.”

Biết được như vậy rồi, các nhà thí nghiệm còn tiếp tục thí nghiệm thêm nhiều tháng nữa để xem tới lúc nào thì trẻ không còn mỉm cười với bất kì người nào nữa.

Họ nhận thấy rằng khoảng sáu tháng sự đáp ứng của trẻ khác hẳn: bé không mỉm cười với những người thí nghiệm như một cái máy nữa. Trái lại, thấy họ, bé hóa ra nghiêm trang, hoặc khóc lên. Từ hồi đó, bé chỉ mỉm cười với những người quen thôi, như với mẹ, với ba. Bé đã biết lạ.

Vậy vào khoảng ba tháng, trẻ phân biệt được cái hình “mặt người mỉm cười” với các hình khác: “thành giường”, “chó xanh trên tấm thảm” v.v…, và thấy hình đặc biệt đó, mặt bé tươi lên, bé mỉm cười. Nhưng tới tháng thứ năm hay thứ sáu, trong vô số hình “mặt người mỉm cười”, bé phân biệt được “mặt mẹ” và “mặt ba” và bình thường thì chỉ thấy những hình đó bé mới mỉm cười.

Nhưng những thí nghiệm đó cho ta thấy một sự kiện lạ lùng: trẻ ba tháng chỉ mỉm cười khi người lớn quay mặt vào trẻ mà mỉm cười, nếu người lớn quay nghiêng chỉ để cho bé thấy bán diện thì bé hết mỉm cười liền. Vậy không phải cứ thấy mặt người là bé mỉm cười mà bé chỉ mỉm cười khi thấy một hình trạng đặc biệt nào đó thôi. Và Spitz tự hỏi: “Trẻ mỉm cười thực ra là với cái gì vậy?” Vài tác giả bảo: “Trẻ mỉm cười với cảm xúc hiện trên nét mặt người lớn, bé thấy tình thương hiện trên nét mặt đó”. Spitz muốn soát lại xem lời đó có đúng không, đứng quay mặt vào mặt trẻ, nhưng không mỉm cười mà nhăn mặt, y như trên các mặt nạ Nhật Bản: không ai có thể lầm lẫn mà cho nhăn mặt như vậy là tỏ tình thương được; vậy mà hết thảy các em bé thấy nét mặt đó cũng toét miệng ra cười.

Vậy đứa trẻ ba tháng không thấy được cảm xúc trên nét mặt người lớn, trẻ không mỉm cười vì cái đó. Spitz thí nghiệm lại với một mặt nạ không biểu lộ một cảm xúc nào cả, bình thường, vô tình kết quả cũng như trước, trẻ mỉm cười với mặt nạ, miễn có đủ ba điều kiện dưới đây:

  1. Trẻ phải thấy toàn diện mặt nạ;

  2. Mặt nạ phải có đủ hai mắt; nếu che một mắt đi thì trẻ hóa nghiêm trở lại liền;

  3. Mặt nạ phải cử động, lưỡi le ra, hoặc đầu cúi xuống, nhưng một mặt nạ trơ trơ thì không bao giờ làm cho bé mỉm cười cả.

Rồi Spitz cho trẻ nhìn một con búp bê đầu cử động, to gần bằng đầu người: hết thảy các em bé đều mỉm cười.

Vậy em nhỏ ba tháng mỉm cười không phải với một mặt người, cũng không phải với tình thương, bé mỉm cười với một hình đặc biệt gồm hai mắt, một mũi, một miệng mà cử động.

Chúng ta thấy một hoạt động đơn giản như nụ cười, mà cũng phải phân tích tỉ mỉ mới hiểu được nghĩa thầm kín của nó. Nhưng ý nghĩa đó không làm cho nụ cười của trẻ mất tính cách tươi tắn, tự nhiên: nó vẫn là một trong những cái quí nhất trên thế giới.

Trích sách Thế Giới Bí Mật Của Trẻ Em