Trẻ bốn tuổi và câu hỏi “Tại sao?”

Trẻ bốn tuổi và câu hỏi "Tại sao?"

Đau đầu với trẻ bốn tuổi vì loạt câu hỏi: “Tại sao?”.

Ba đang chăm chú đọc báo trong khi ở ngoài sấm chớp ầm ầm. Đứa con trai kéo tay áo của ba, hỏi: “Ba, tại sao trời lại chớp? Ở trên trời có lửa sao?” Cơn dông làm tắt điện, đứa nhỏ ngạc nhiên hỏi: “Tại sao khi tắt đèn ở trong nhà, thì ở ngoài trời lại sáng hơn, ba?” Hết cơn dông rồi, mặt trăng ló lên ở xa. “Ba tại sao mặt trăng mọc lên? Ba ngó kìa, nó hóa tròn kìa? Tại sao mặt trăng lại gọi là mặt trăng, ba? Tại sao ba lớn mà tai ba nhỏ, còn con nhỏ mà tai lại lớn? Tại sao vậy, ba, tại sao?”

Đứa nhỏ hay hỏi đó chắc chắn vào khoảng bốn tuổi.

Vì tuổi đó có đặc điểm này là trẻ hỏi luôn miệng nhiều câu mà rất ít người trả lời một cách thỏa mãn được; trẻ hỏi hết câu này tới câu khác, trả lời cho bé, bé ít khi vừa ý, riết rồi cha mẹ mệt, chán, tự hỏi: “Tại sao mà nó hay hỏi tại sao như vậy?”.

Chúng ta thử trả lời câu hỏi chính đáng đó, và xét xem cái gì làm cho trẻ tuổi đó hay hỏi.

Bốn tuổi không phải là tuổi đầu tiên hay hỏi đâu. Có ba thời kì trẻ hỏi luôn miệng: hai tuổi, bốn tuổi và bảy tuổi. Thời thứ nhất, hai tuổi, trẻ chỉ hỏi: “Cái gì vậy ?” Bé muốn biết tên các vật, và bé hoàn toàn thỏa mãn khi ta đáp: “Máy bay đấy”, hoặc “Con nai đấy”.

Thời thứ nhì bé đặc biệt muốn biết nơi chốn và cách nào; thời thứ ba bé muốn biết nguyên do và lúc nào.

Hôm nay chúng ta xét thời thứ nhì, 4 tuổi, và tìm hiểu tại sao đúng tuổi đó, trẻ hay hỏi thế, hỏi nhiều hơn hết thảy các thời sau này.

Trước hết chúng ta nhận thấy rằng trẻ bốn tuổi thích nghe truyện và bịa chuyện, nhưng bé không để ý đến tình tiết bằng từ ngữ. Trước kia, cho tới hồi ba tuổi rưỡi, bé buộc người lớn khi kể lại một truyện, phải lặp lại y hệt lần trước, bao giờ cũng mở đầu rằng: “Hồi xửa hồi xưa…”, câu nói không được thay đổi mà giọng cũng vậy; có khi bé còn sửa lại lời của người lớn nữa: “Không, công chúa đâu có bận chiếc áo hồng với các ngôi sao vàng, công chúa bận áo xanh với các ngôi sao bạc mà, mẹ kể lại đi…”; bây giờ, bốn tuổi, bé mềm dẽo hơn và thích giỡn bằng các từ ngữ. Bé tạo ra những danh từ kì cục để gọi những vật quen thuộc: mưa thành ra “lốp bốp”; bùn thành ra “phụt phọt” v.v… Bé thích những câu thơ vô lý: “Bụng tôi phồng lên như cái bông người ta trồng trong cánh đồng mênh mông và mỗi khi trông thấy, bụng tôi nó lại phồng lên…”

Từ ngữ thành những vật cho bé giỡn như tung các trái banh màu vậy.

Và ta nên để ý điều này: bé chỉ đổi tên các vật mà nó biết rõ tên thôi. Bốn tuổi, bé biết rõ tên những vật thường thấy rồi, có thể tạo những tên khác mà bé thích hơn vì thanh âm vang hơn, có tiết điệu hơn.

Cái lối đặt tên kì cục đó, nguyên nhân chỉ do bé đã làm chủ được ngôn ngữ rồi, cũng như sau này, khi bé đã đếm được đúng các con số 1, 2, 3, 4, 5… rồi thì bé thích đếm ngược lại: 5, 4, 3, 2, 1.

Vậy hồi 4 tuổi, trẻ hay hỏi có lẽ là vì đã làm chủ được ngôn ngữ. Trước kia khi thấy các vật lạ bé hỏi: “Cái gì đó?”, bây giờ đã biết tên những vật đó, biết là chuyến xe lửa, các toa xe rồi, bé xét qua khía cạnh khác, hỏi “Xe lửa đó đi đâu? Tại sao lại kéo nhiều toa như vậy? Tại sao toa nào cũng móc vào nhau?”

Những câu hỏi “Tại sao” đó có thể có nhiều ý nghĩa, và người lớn muốn trả lời cho thích đáng thì cần hiểu ý nghĩa của mỗi câu; nếu không trả lời đúng theo ý nghĩa của câu hỏi, nếu không nhận được đúng bé muốn tìm hiểu điều gì, thì bé sẽ không thỏa mãn, mà hỏi hoài, hỏi hoài.

Chúng ta nên nhớ có một số câu hỏi của trẻ mà không phải là câu hỏi, chẳng hỏi ai cả, thường chỉ là một cách xác nhận một điều gì đó, quyết chắc như vậy. Chẳng hạn khi một em nhìn đám bùn, la lên: “Đẹp nhỉ?”; hoặc là một cách phô diễn tình cảm, một niềm thất vọng, như khi ta bảo một em: “Kẹo này không ăn được”, bé hỏi lại: “Tại sao?”; hoặc là một cách phản kháng, như khi ta bảo: “Đi ngủ đi” bé đáp: “Tại sao?”. Những lúc đó đừng trả lời nó vô ích “Không ăn kẹo đó được vì sắp ăn cơm rồi”, hoặc “Phải đi ngủ vì ai cũng phải ngủ” vì bé sẽ hỏi thêm: “Tại sao ai cũng phải ngủ?”, và cứ vậy, không bao giờ hết. Không thể lí luận với trẻ trong những trường hợp đó được mà nên dùng tình cảm, như khi bé không muốn ngủ chẳng hạn thì ta nên bảo: “Con muốn thức vì không muốn xa ba mẹ nhưng cả khi con ngủ, ba mẹ vẫn nghĩ tới con, vẫn yêu con mà.” Một số lớn những câu hỏi của trẻ bốn tuổi vào loại đó.

Nhưng còn một số kia giống những câu hỏi “Tại sao” của người lớn và chúng ta phải trả lời cách khác. Hỏi những câu vào loại này là bé thực tình muốn biết để biết, bé nghiêm trang tìm sự thực cũng như một nhà toán học già kiên nhẫn.

Những câu hỏi này dễ nhận ra lắm vì do hoàn cảnh làm cho bé xúc động, và gợi ra cho bé. Xúc động vì bé thấy có một sự tương phản hay bất thường giữa kinh nghiệm bé đã trải qua và sự việc đang xảy ra.

Vì đứa trẻ bốn tuổi đã có một ý niệm về vũ trụ bên ngoài rồi, theo bé vũ trụ đó vận hành đúng những luật đặc biệt khác những luật của chúng ta, nhưng cũng nghiêm khắc không kém. Nên bây giờ xảy ra một việc gì nó thấy sai với những luật đó thì bé hoang mang, lo ngại. Mà muốn hết hoang mang, lo ngại thì chỉ có cách nhờ người lớn, biết nhiều hơn bé, giảng cho: “Tại sao vậy ba?”. Và ta phải giảng cách nào cho bé thoả mãn, nghĩa là cho bé hiểu được, không còn thắc mắc, nghĩ tới nữa, nếu không thì sự hoang mang còn lởn vởn hoài trong óc bé mà bé sẽ hỏi nữa: “Tại sao?”, “Nhưng tại sao lại vậy?”

Thí dụ dưới đây mượn của Sully sẽ giúp bạn hiểu rõ điều tôi mới trình bày. Bé Mẫn đang thắc mắc về vấn đề săn bắn thú vật, thình lình bé hỏi người lớn một câu có vẻ rất giản dị:

– Tại sao người ta lại săn bắn cá sấu?

– Để lấy da làm túi, làm cặp.

– Thế thì tại sao lại giết con nai? Người ta có muốn lấy da nai đâu?

Người lớn bị dồn vào chân tường, chỉ còn có cách trả lời:

– Tại thiên hạ thích đi săn và giết những loài đó.

Nhưng đáp như vậy chỉ càng làm cho trẻ hoang mang hơn là khi bé mới bắt đầu hỏi nữa. “Họ thích giết, giết mà lấy làm vui!”. Đứa nhỏ biết rằng người lớn đôi khi muốn làm những việc ghê tởm, nhưng sẽ bị bắt, cho nên bé lại hỏi:

– Thế tại sao cảnh sát không bắt giam những người đi săn?

– Vì người ta cho phép đi săn.

Trẻ cố hiểu tại sao người ta lại cho phép giết loài vật để chơi như vậy, mà không hiểu nổi: “Sao lại cho phép?”. Thành thử lời đáp của người lớn chỉ làm cho trẻ càng thấy sự đời vô lí, vì trái hẳn với những luật về vũ trụ mà bé đã tốn công tìm ra. Người ta cấm bé giết một con cóc để coi trong bụng cóc có gì, mà người ta lại cho phép người lớn giết nai? Thật không hiểu nổi! Bé lại phải hỏi nữa, hỏi cho tới khi nào người lớn đáp một câu mà bé chấp nhận được mới thôi.

Sau cùng còn điểm này nữa: “Tại sao trẻ hỏi “Tại sao?” luôn miệng như vậy?”. “Thấy bất kì cái gì nó cũng hỏi, mà chẳng có gì (theo quan niệm của chúng ta) thì bé cũng hỏi, là tại sao?”. Nguyên nhân hơi lạ lùng. Piaget bảo là tại trẻ chưa có cái ý niệm về sự ngẫu nhiên, thình lình. Bé cho rằng cái gì cũng liên quan với một cái gì khác, không có cái gì không có nguyên nhân. Cái gì cũng có thể giảng được. Vậy thì có thể tìm nguyên nhân của mỗi hiện tượng được. “Tại sao có một con suối ở gần nhà?”, “Tại sao con bồ câu giống một con chim cu?”, “Tại sao ba có tên là Nhân?”, “Tại sao trái banh lăn về phía anh? Nó biết rằng anh ở đó ư?”.

Những câu hỏi đó có vẻ vô lí; nhưng thực ra nó không vô lí nếu ta nghĩ rằng trẻ chưa có cái ý niệm ngẫu nhiên, do đó, bé hay hỏi về cái gì bất thần xảy ra hoặc giải thích không được, những cái mà bé không thấy nguyên nhân. Còn như người lớn chúng ta thì không thắc mắc vì quen nghĩ rằng trong các hiện tượng có một phần lớn là ngẫu nhiên, tình cờ.

Sau cùng chúng ta nên nhớ rằng có khi một đứa bé hỏi nhiều câu lắm mà không đợi trả lời, hỏi một cách nóng nảy, lo ngại, chỉ vì đã có lần người ta không chịu đáp một cách thỏa mãn một trong những câu hỏi của bé mà bé cho là cực kì quan trọng. Bé hỏi: “Tại sao có biển?”, “Tại sao có mây?”, “Tại sao phải ăn?”, “Tại sao phải ngủ” v.v… và ta đáp gì thì đáp, bé vẫn không thỏa mãn, chỉ vì có một lần bé đã hỏi: “Em bé ở đâu mà sinh ra?” hoặc một câu nào trong loại đó, mà người ta đã trả lời bậy bé, hoặc không trả lời, hoặc tệ hơn nữa, còn cấm bé hỏi như vậy. Thế là óc tò mò càng tăng lên, vô độ, gặp cái gì cũng hỏi, hỏi lung tung, trừ cái điều làm cho bé bận trí hoài kia.

Một đứa trẻ như vậy thường có một thái độ đặc biệt: bé không phải chỉ tò mò ngoài miệng mà thôi đâu, bé tò mò cả trong hành động nữa. Bé sẽ lục các hộc tủ, mở các hộp kín, bé sẽ hóa ra có tính lục lọi… và sẽ khổ sở.

Tôi xin thêm một lời cuối cùng. Những câu hỏi của trẻ có thể làm cho ba mẹ bực mình; nhưng đó chính là dấu hiệu thông minh tỏ rằng trẻ có tinh thần tìm hiểu, tinh thần mà Aristote cho là tự nhiên của loài người.

Trích sách Thế Giới Bí Mật Của Trẻ Em