Năm tuổi – trẻ con nhưng đã “già”

Năm tuổi - trẻ con nhưng đã "già"

Năm tuổi: ông/bà già trong thân xác trẻ con.

Năm tuổi là một giai đoạn đánh dấu một tuyệt đỉnh. Trẻ tuổi đó cho ta cảm tưởng đã phát triển đầy đủ: cơ hồ như sự phát triển của bé đã xong, trọn vẹn. Người ta bảo: “Coi kìa, đã ra vẻ người lớn rồi!” hoặc: “Chị coi, cháu đã ra vẻ một tiểu thư chưa!”. Đúng, trẻ năm tuổi ra sao thì hai mươi lăm tuổi cũng sẽ vậy. Thành thử chúng ta có thể xác nhận với Tiến sĩ Etienne de Greef và đa số các tác giả hiện đại rằng những nét chính về cá tính của trẻ đã xuất hiện đầy đủ hồi năm tuổi.

Sự kiện đó có rất nhiều hậu quả và lạ lùng nhất là hậu quả về nam tính hay nữ tính của trẻ. Vì cá tính của trẻ đã tự cấu tạo, gần như hoàn thành xong trong năm năm đầu, thì dĩ nhiên, trong năm thứ năm này, trong giai đoạn nhất định và ngắn ngủi này, bé phải hướng về nam tính hay nữ tính. Vấn đề phát triển đó thật gay go, ta không thể bỏ qua được, cũng như không thể bỏ qua vấn đề tự do, độc lập của trẻ (trong các giai đoạn trước); có hiểu nó rồi mới hiểu được tâm lý của trẻ.

Xin bạn đừng ngại: tôi sẽ không đưa bạn vào những nẻo ngoắt ngoéo của mặc cảm Oedipe hoặc mặc cảm Electra đâu, mà chỉ cố tìm hiểu xem do cách nào mà một em trai hóa ra có nam tính và một em gái hóa ra có nữ tính.

Ngày nay chúng ta biết rằng không phải chỉ do thể chất mà trẻ có xu hướng nam tính hay nữ tính. Chúng sinh ra là con gái hay con trai, nhưng muốn thành ra có nữ tính hay nam tính thì phải nhờ một sự phát triển lần lần trong nhiều năm mà sự phát triển này còn tùy thuộc nhiều cái khác nữa, chớ không phải chỉ tùy thuộc các yếu tố về cơ thể.

Chẳng hạn một lực sĩ vóc dáng hùng dũng vào bậc nhất, mà lại có thể có rất ít nam tính về phương diện tâm lý, có thể là một con người ít tinh thần độc lập, thụ động và khoe khoang như đàn bà.

Vậy không nhất định là nam tính hay nữ tính tùy thuộc cơ thể, và chúng ta có thể tự hỏi: “Có những điều kiện tâm lý căn bản nào làm cho một em gái có nữ tính, và một em trai có nam tính?”. “Tóm lại, là thành một nữ nhi hay một nam nhi hoàn toàn?”. Dĩ nhiên những điều kiện đó phải có đủ trong năm năm đầu vì trong giai đoạn đó cá tính được tạo thành.

Chúng ta có thể rút những điều kiện căn bản đó, thành còn ba điều kiện dưới đây :

  1. Sống với ba và mẹ;
  2. Ba có nam tính mà mẹ có nữ tính;
  3. Ba mẹ yếm mến nhau.

1- Sống với cha và mẹ

Chúng ta đã thấy không có mẹ thì tai hại cho trẻ ra sao. Trẻ mới sinh, từ tháng thứ ba trở đi mà thiếu mẹ thì hậu quả bi thảm: bé có thể rầu rĩ mà chết được. Theo tiến sĩ De Greeff, thì đó là một trong những nguyên nhân khiến cho những trẻ đẻ hoang chết nhiều gấp hai những trẻ ba mẹ có hôn thú. Cả khi trẻ được hơn một tuổi rồi mà thiếu mẹ (hoặc một người thay cho mẹ được) thì ảnh hưởng cũng tai hại, không sao xóa bỏ được:

  • Chậm phát triển về cử động
  • Chậm phát triển về trí tuệ
  • Rất chậm phát triển về tinh thần xã hội

Trẻ nuôi trong viện mồ côi, thiếu cha thiếu mẹ, biết cười chậm hơn những trẻ sống với ba mẹ. Vào khoảng hai tuổi rưỡi bé mới nói được vài tiếng, mà trẻ bình thường vào tuổi đó đã biết được từ 400 tới 1.000 tiếng rồi. Và nhất là bé không có xu hướng về nam tính hay nữ tính – đó là điểm chúng ta xét hôm nay. Chẳng những về phương diện đó, bé hoàn toàn ngu dốt, ngu dốt lạ lùng (sáu, bảy tuổi mà có đứa vẽ hình người thì đàn ông với đàn bà cũng vẽ y hệt nhau), mà bé còn không nhận định được nam, nữ khác nhau ở đâu. Một đứa con trai sáu, bảy tuổi mà định – một cách rất nghiêm trang – sau sẽ thành một “dì phước”, điều làm cho chúng ta có thể mỉm cười, nhưng cho ta hiểu một tình trạng thật bi đát! Hồi mười ba tuổi, ra khỏi cô nhi viện được vài ngày, nó ngạc nhiên khi thấy đàn ông và đàn bà tự do vào nhà thờ và hỏi: “Tại sao trai gái lại “lẫn lộn” như vậy, trai không sắp hàng riêng phía con trai, gái không sắp hàng riêng phía con gái?”.

Nhưng sự ngu dốt đó không quan trọng lắm, có thể sửa được nếu trẻ không thiếu hẳn xu hướng về nam tính hay nữ tính. Chúng ta biết rằng, bình thường ra, một em trai sở dĩ có nam tính nhờ bất giác noi gương ba, tự đồng hóa với ba. Ba tập cho bé thành ra một nam nhi, có nam tính. Nhưng đứa trẻ không có ba, nhất là đứa trẻ ở trong viện mồ côi, thì có người đàn ông nào đâu cho bé đồng hóa? Có ông bác sĩ chích bé khi bé đau chăng? Hay là ông mục sư nghe bé thú tội? Hay là nhà chuyên môn tâm lí nhi đồng mỗi năm một lần lại viện làm trắc nghiệm cho bé.

Đứa trẻ sống trong một gia đình không có ba ít nhất còn có thể đồng hóa với thầy học, ông nội, ông ngoại hoặc một chú bác mà bé quí, mặc dầu trong nhiều trường hợp bấy nhiêu chưa đủ, vẫn còn cái thảm cảnh của các đứa con trai của các bà vợ góa (dù chồng chết hay chỉ vắng mặt hoài cũng vậy: có nhiều thứ góa chồng). Thường thường đứa con trai, nhất là đứa con trưởng của một bà mẹ không chồng, không bao giờ đạt được nam tính hoàn toàn. Cả khi trưởng thành rồi, nó vẫn chỉ dựa vào mẹ thôi và nó như đàn bà, muốn được cưng chiều một cách tiêu cực. Khi lập gia đình nó để một mình vợ chỉ huy trong nhà. Nó không phải là chủ nhà, là người cha trong nhà, chỉ là một người lớn em bé hoặc một người đàn ông ẻo lả như đàn bà.

2 – Ba phải có nam tính và mẹ phải có nữ tính

Như vậy có nghĩa rằng không phải bất kì ba mẹ nào cũng có thể hướng dẫn trẻ về nam tính hay nữ tính một cách bình thường được mà cần có những ba mẹ nam tính và nữ tính lành mạnh. Và nếu một người có nam (hay nữ) tính lành mạnh, thì người kia cũng có nữ (hay nam) tính lành mạnh, trong đa số các trường hợp là vậy, nếu không họ đã không lựa nhau làm bạn trăm năm.

Đứa con trai có thể có nam tính nếu nó có thể đồng hóa với ba được, dĩ nhiên là chính người ba phải có nam tính đã. Cũng vậy, đứa con gái hóa ra có nữ tính nếu bắt chước mẹ, mà mẹ hoàn toàn có nữ tính. Khi vai trò đảo ngược lại, khi chính người vợ chỉ huy trong nhà, độc đoán, tính tình như đàn ông, ăn hiếp chồng, còn người chồng trái lại, thụ động như con nít, chỉ đóng một vai phụ, thì con cái, trai cũng như gái, khó mà đạt được sự quân bình về phương diện nam tính hay nữ tính. Vậy không những trong nhà phải có ba mẹ, mà ba và mẹ còn cần phải được quân bình về tinh thần nữa.

3 – Ba mẹ phải yêu mến nhau

Người ta đã nhận thấy sự kiện này mà tất cả các nghiên cứu nghiêm túc về tâm lí, tâm linh của trẻ đều xác nhận là đúng: con trai năm hay sáu tuổi cực kì quyến luyến với mẹ trong một thời gian, muốn mẹ là riêng của mình, mà tình nó yêu mẹ có tính cách nam tính vừa áp chế vừa che chở, vừa tích cực. Mà chính trong thời gian đó, bé hướng về nữ giới một cách lành mạnh hay không là tùy ba bé có âu yếm má nó nhiều không.

Về phía con gái cũng vậy: nhờ đồng hoá với mẹ, một người mẹ yêu chồng, mà sau này bé mới có thể yêu một người đàn ông được. Điều đó cho ta hiểu được thảm kịch của những thiếu nữ có một người ba tồi, không đáng kính yêu (hoặc bị vợ khinh); những thiếu nữ đó khó có được một nữ tính lành mạnh và khó có hạnh phúc trong hôn nhân. Họ thấy người đàn ông nào cũng có thể làm cho họ thất vọng, có thể lừa gạt họ, hoặc chỉ là hạng người đáng khinh như ba họ…

Bạn bảo tôi: “Sao mà nhiều điều kiện thế, sao mà rắc rối thế; khó đạt được sự quân bình về phương diện đó đến thế ư?”. Dĩ nhiên tôi xét ở trên là xét hoàn cảnh lí tưởng, ngoài ra còn nhiều hoàn cảnh tạm được nữa.

Không nên nghĩ rằng một đứa con trai mồ côi ba hồi chưa đầy năm tuổi, mà không có ai có thể thay ba bé được, thì nhất định sẽ thác loạn về thần kinh, sau này không làm sao tìm được hạnh phúc trong hôn nhân. Không, bé vẫn có thể đạt được sự quân bình, nhưng khó nhọc hơn một đứa khác còn cả ba mẹ và được sống trong một gia đình ba mẹ yêu nhau thắm thiết.

Điều đó chính là điều Claude Vincent nhấn mạnh trong một bài nhan đề là “Chiếc khuyên vàng”, khi ông viết:

“Người ta dễ tưởng rằng ba mẹ yêu nhau không phải là dạy con. Trước mặt trẻ người ta tỏ ra nghiêm trang, người ta gọi nhau là “Ba thằng Tiến” hay “Mẹ thằng Tiến”, và có khi cả trong những lúc vợ chồng thân mật với nhau, người ta cũng dùng cách xưng hô đó, mà không gọi tên nhau, không dùng những danh từ âu yếm. Người ta tưởng trước cặp mắt tò mò của trẻ, tỏ tình âu yếm với nhau là không phải lúc: “Coi chừng con nó ngó kìa…”.

“Ừ thì bé ngó đấy. Nhưng chính vậy, bé cần ái tình, ái tình của chúng ta đối với nhau hơn là cần bánh mì nữa. Cũng có một phần đúng đấy; tôi cũng nhận rằng có những cách tỏ tình âu yếm có thể làm nổi dậy những bản năng thầm kín trong những tâm hồn trong trắng đó. Nhưng một ái tình trong trẻo, cởi mở, rực rỡ không bao giờ là một độc dược cả; nó nuôi dưỡng sự sống. Phải xét lại từng điểm một những nhận xét của môn phân tâm học, không phải để thấy rõ những hậu quả tai hại của một cuộc hôn nhân thất bại mà trái lại, để thấy những cái lợi, cái khả năng đào tạo tâm hồn trẻ, của một hôn nhân thành công. Do tấm gương hằng ngày trong gia đình, chứ không do những lời giảng dạy tràng giang, mà trẻ học được cách sống ra sao; học được rồi thì kể như đời bé đã thành công được một nửa”.

Trích sách Thế Giới Bí Mật Của Trẻ Em