Vinh khổ nghề làm cha mẹ

Vinh khổ nghề làm cha mẹ

Tới bữa nay nữa là chấm dứt loạt câu chuyện về sự phát triển tâm lí của trẻ em. Chúng ta đã xét hai chu kì của đời sống; mới xét đại khái thôi, phải nhận như vậy, vì trong mỗi giai đoạn, chúng ta chỉ lựa những nét điển hình nhất, biểu lộ nhất. Vì vậy chúng ta không thể xét riêng từng em nào được, và nhiều khi, tả một hiện tượng phát triển nào đó, nhớ tới một em tên Liên hay tên Mẫn, chúng ta không thể không nghĩ bụng: “Phải, tất cả những cái đó đúng đấy, nhưng…”, mà tiếng “nhưng” này bao hàm nhiều mâu thuẫn đấy.

Những nét tôi đã tả trong mỗi giai đoạn không nên coi là những tiêu chuẩn cố định hoặc những mẫu mực, chỉ là những nét chung cho đại đa số trẻ em trong giai đoạn đó thôi. Nhưng mỗi đứa còn một lối phát triển riêng, nó là một hiện tượng duy nhất trên thế giới, vì mỗi đứa là một cá nhân độc nhất vô nhị. Chưa có cách nào sản xuất được một nhân loại theo từng loạt như sản xuất các máy móc.

Ngay những trẻ sinh đôi y hệt nhau, nghĩa là những trẻ do một cái noãn (trứng) thụ thai tách ra, cũng có thể phát triển khác nhau, mặc dầu những điều kiện di truyền và hoàn cảnh ngoại giới như nhau. Và ở Mĩ, cứ 90 lần sinh thì có 1 lần sinh đôi. Vậy thông thường thì ngay từ khởi điểm, tiềm năng đã khác rồi. Vật nào trong thiên nhiên cũng vậy hết (tuyết, có tinh thể nào y hệt tinh thể nào đâu; cùng một loài cá mà có con nào y hệt con nào đâu). Luật thiên nhiên bất nhất và vô thường. Từ nhiều năm nay, khoa học tâm lý hiện đại không ngớt nhấn mạnh vào điểm: mỗi cá nhân có những nét riêng đặc biệt, chúng ta hiểu rằng dù biết rõ những quy tắc chung trong sự phát triển bình thường của tâm lý, thì cũng không khi nào có thể nhồi em Lan, em Định, em Quý, em Minh vào chung trong một khuôn được. Các phát kiến của tâm lý học ngày nay đã lật đổ cái huyền thoại “trẻ là cục sáp”, cha mẹ và các nhà giáo dục muốn nặn thành hình gì cũng được. Bà mẹ nào mà bảo: “Con cái cũng như cái bàn, cái ghế, muốn sơn màu nào cũng được”, là bà đó sống trong một thế giới ảo tưởng.

Vậy mỗi trẻ có một lối phát triển riêng biệt về phương diện thể chất cũng như về phương diện tinh thần. Người ta không thể nói, không được nói: “Đúng 1 tuổi thì trẻ phải cân được bây nhiêu kí, uống bây nhiêu sữa”. Dĩ nhiên có một mức trung bình cho ta nhận định được đứa này gầy quá đứa kia mập quá, nhưng mức đó chỉ có thể cho ta nhận định được thế nào là thái quá, thế nào là bất cập, thế thôi. Trong nhi khoa nên bỏ các con số đi hoặc càng dùng ít càng tốt, để tránh cho các bà mẹ ít kinh nghiệm khỏi lo lắng. Có biết bao nhiêu bà hoảng hốt khi thấy đứa trẻ mới sanh bú vài ba chục gam sữa, kém con số bác sĩ đã định. Tôi còn nhớ một thiếu phụ nọ kêu điện thoại mời y sĩ lại: “Vì, thưa bác sĩ , tôi ngại quá, bác sĩ bảo mỗi ngày cháu bé phải lên được 30 gram, mà hôm nay bé chỉ lên có 15 gram thôi”.

Về sự phát triển tâm lý nhiều bà mẹ cũng lo lắng như vậy: “Con trai tôi thông minh kém chị nó; cùng dùng một trắc nghiệm, thương số tinh thần của nó là 110 mà của chị nó là 112”. Khác nhau có hai điểm, có nghĩa lý gì đâu; khốn nỗi cha mẹ mấy người hiểu được điều đó và suốt đời cứ đinh ninh rằng đứa này không thông minh bằng đứa kia. Ôi! cái thói dán nhãn lên một người và so sánh, thật là tai hại!

Về phương diện đó, có một hoàng kim quy tắc: không bao giờ được so sánh một đứa trẻ này với một đứa khác vì không có tiêu chuẩn gì chung để so sánh được. Chỉ có thể so sánh trẻ với chính nó thôi. Biết trẻ có thể làm được tới đâu, thì phải buộc trẻ làm đúng sức của mình. Chính trẻ phải là mẫu mực của trẻ, tới giai đoạn phát triển nào đó thì trẻ phải gắng sức đạt được mức độ già giặn nào đó.

Chúng tôi biết khó mà tránh mọi sự so sánh được, nhất là khi có nhiều trẻ trong nhà. Nhưng khó thì cũng phải cố chống cự lại thói đó cũng như nhiều thói khác nữa thì mới làm trọn nhiệm vụ giáo dục được.

Để kết luận, tôi nghĩ nên ghi vài nỗi nguy hại chúng ta thường gặp trong nhiệm vụ làm cha mẹ. Những nỗi nguy hại đó nhiều lắm, tôi chỉ xin kể những cái nguy hại trực tiếp cho trẻ thôi; chỉ cần nhận định được những nguy hại đó, nhiều khi cũng đủ tránh được rồi.

Có sự cám dỗ này vào hạng âm hiểm nhất, (âm hiểm có lẽ vì nhiều khi cha mẹ không ý thức được) là muốn cho con được y như mình mong ước trong lòng. Con còn là cái thai nằm trong bụng mà ta đã tưởng tượng con ra sao rồi: trai hoặc gái, trắng trẻo hay không, sẽ giống hệt cha mẹ nó hoặc trái hẳn cha mẹ. Và đôi khi những mơ ước của ta rõ rệt lạ thường. Cái thai mới bắt đầu biết cựa ở trong bụng, mà người mẹ đã thấy con leo những bực vô Quốc hội rồi, “vì con sẽ làm luật sư – trước kia, khi đậu tú tài tôi ước ao được làm luật sư – con sẽ làm luật sư và một ngày nào đó làm Thủ tướng”, hoặc: “con sẽ làm mục sư”. Quyết định trước như vậy rồi.

Nhưng chính người cha làm luật sư thì lại nghĩ: “Con sẽ là kiến trúc sư hoặc họa sĩ… trước kia tôi có tài vẽ. Con sẽ thực hiện được cái mộng của tôi”.

Cha mẹ nhiều khi bất giác xây dựng trước cuộc đời cho con. Và sau này họ sẽ thỏa mãn hay thất vọng tùy đứa con có đáp ứng được những mơ tưởng của họ hay không.

Cha mẹ nào mà khỏi mơ mộng, khỏi ước mong điều này điều khác cho con? Mơ thì mơ, nhưng phải cố đừng để cho ước mơ của mình tác động vào thực tại, vì cuộc đời của con ta là một sáng tạo riêng của con chứ không phải là một tái tạo của chính đời ta.

Hễ tôn trọng cá tính của trẻ thì cha mẹ dễ cởi bỏ được dần dần những ước mơ trong lòng mình mà quyến luyến với con, con làm sao thì yêu con làm vậy. Mà cái đó bao giờ cũng phải tuần tự.

Không phải chỉ trong vài giờ, khi sinh con, là chúng ta thành cha hoặc mẹ ngay đâu. Muốn thực thành cha mẹ, theo ý nghĩa đầy đủ của tiếng cha mẹ, thì phải ngoài hai chục tuổi, và phải tập tành lâu.

Vậy sự cám dỗ thứ nhất cần phải tránh là đừng coi đời của con chỉ là một sự tiếp nối của chính đời mình, mà phải coi là một cuộc đời hoàn toàn mới, có số phận riêng.

Cám dỗ thứ hai là quá yêu con, coi con như một vật sở hữu của mình.

Có nhiều trẻ bị cha hoặc mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ hất hủi. Tuy ít người đánh đập, gây thương tích về thể chất cho con, nhưng số người vì tàn nhẫn gây thương tích tinh thần cho con thì nhiều vô kể. Họ không dám bỏ thí con, giao chúng cho người lạ, nhưng ngày nào cũng gạt bỏ chúng ra khỏi lòng họ, tới nỗi trẻ hóa ra đói khát tình cảm. Xin chư vị nhìn chung quanh mà coi. “Đứa bé này không bao giờ được cha yêu cả, vì cha mong có một đứa con gái mà lại sanh một đứa con trai nữa”, “Đứa kia nhằm lúc cha mẹ đã không muốn có con nữa, mà ra đời”, hoặc “Cha mẹ chưa muốn có con mà ngẫu nhiên sanh ra nó”. “Đứa này bị mẹ ghét bỏ vì chẳng may nó giống cha nó như đúc, mà tình âu yếm giữa cha mẹ nó đã biến thành tình căm hận”, hoặc “Nó xấu xí quá”, “Nó ngu xuẩn quá”, “Nó tàn bạo quá”. Trong đa số trường hợp, những cái nhãn người ta dán vào trẻ đó không đúng sự thực, chỉ là những cái cớ để cho cha mẹ ghét bỏ con mà khỏi cảm thấy mình có tội. Và nhiều đứa trẻ bị cha mẹ ghét bỏ, giao cho viện cô nhi chăm sóc (những trẻ đó luôn luôn bất quân bình về thể chất hay tinh thần) lại có một thương số tinh thần rất cao, khiến cho cha mẹ phải ngạc nhiên: “Cái thằng ngốc đó mà lại thông minh xuất chúng như vậy sao?”.

Vậy tình cha mẹ yêu con không phải tự nhiên mà có, không nhất định phải có đâu; dĩ nhiên, nó là một tình cảm tự nhiên, tự nhiên cũng như cái khuynh hướng xã hội, nhưng muốn cho nó nảy nở thì cần có một số điều kiện, và cũng như mọi bản năng khác, nó có thể sai lạc đi.

Chúng tôi không có ý trách các cha mẹ bỏ bê con cái đâu: hầu hết những vị đó đều khổ và lỗi không phải do họ. Vì, trẻ không được cha mẹ yêu là một thảm kịch thì cha mẹ không yêu con cũng là một thảm kịch, và trong đa số trường hợp, chính những cha mẹ đó hồi nhỏ cũng đã là những em bé bị bỏ bê.

Những sự thật đó đau lòng đấy, nhưng chúng ta phải biết để mới hiểu được rằng một cách làm hại cho trẻ nữa là yêu nó quá, yêu trẻ không đúng cách, quyến luyến trẻ quá, coi trẻ như một vật vô cùng quý báu của mình, không rời trẻ ra, không muốn cho ai cướp con trong tay mình. Cái tật đó, tật coi con như một vật sở hữu, mới là một sự cám dỗ mà hầu hết các cha mẹ mắc phải.

Trong hai chục năm cha mẹ hy sinh hết thảy cho con: săn sóc con suốt ngày đêm, bỏ hết các thú vui của mình vì con, chịu bao nhiêu đau khổ vì con, đem hết cả sức lực, tinh thần, kinh nghiệm ra nuôi nấng, dạy dỗ con, làm việc gì cũng là vì con cả, vậy mà con cứ chuẩn bị, từng ngày từng ngày một, để xa lần, tách khỏi mình ra, chẳng nghĩ tới chuyện đền đáp bao nhiêu công ơn của mình, chỉ sẵn sàng hy sinh lại cho lớp sau. Cái sự thật đau lòng mà cha mẹ nào cũng cần phải nhận định cho rõ đó, có thể diễn bằng câu này được: con ta không phải là con của ta. Trời Phật cho ta mượn nó đấy, và bất kỳ lúc nào muốn đòi lại thì đòi. Nếu trước khi sinh con mà chúng ta đã hiểu thấu chân lý đó thì chúng ta sẽ dễ chấp nhận được những hạn chế trong nhiệm vụ làm cha mẹ.

Chúng ta sẽ nhận rằng phần lớn nhiệm vụ đó chỉ là tập cho trẻ có thể tự lập, không cần nương tựa vào ta nữa. Chúng ta phải thú thực rằng cơ hồ không sao tránh được cái ý muốn coi con cái là vật sở hữu của mình; chỉ có thể bỏ lần lần cái ý muốn đó được thôi, nhờ tinh thần khoáng đạt.

Và để kết luận, tôi xin thưa rằng muốn có tinh thần thực tế đừng để cho những mơ ước chi phối mình, với tinh thần khoáng đạt đó, cha mẹ phải tu thân, tinh luyện nhiệm vụ làm cha mẹ, rồi dần dần mới biết trọng cá tính của con được. Và khi tự đặt mình vào cái trào lưu sinh sinh hóa hóa bất tuyệt của Tạo hóa thì ta thấy sự tôn trọng cá tính của trẻ đó là điều rất tự nhiên.

Trích sách Thế Giới Bí Mật Của Trẻ Em