Phương diện sinh lý của trẻ mới sinh

Phương diện sinh lý của trẻ mới sinh

Ở trẻ mới sinh, trước hết ta hãy xét về phương diện sinh lí, phương diện đó lấn át tất cả các phương diện khác vì khi mới sanh, trẻ biểu lộ rất ít tâm linh cá tính của chúng.

Tim của trẻ mới sanh, đập mau hay chậm tùy theo hoàn cảnh. Nó đập trung bình 123 lần mỗi phút khi trẻ ngủ và 94 lần trong khi trẻ khóc. Sở dĩ cách biệt nhau lớn như vậy vì nhịp đập của tim lúc này rất dễ bị ảnh hưởng. Người ta nhận thấy ngay cả khi thai nhi còn nằm trong tử cung, chỉ hơi kích thích một chút mà nhịp đập của tim cũng đã thay đổi. Ví dụ nếu mẹ hút thuốc thì không đầy mười lăm phút sau, tim của thai nhi đập tăng thêm năm lần mỗi phút. Nhịp thở cũng vậy rất thay đổi: mới sanh, trẻ mỗi phút thở khoảng 35 lần, nhưng khi ngủ số đó có thể hạ xuống còn 32 lần, mà khi khóc, nó có thể tăng lên tới 133 lần.

Mà nhiều phản ứng của trẻ cơ hồ liên quan với nhịp thở. Như tiếng oa oa của trẻ khi chào đời, Nietgsche cho đó là tiếng kêu tuyệt vọng của loài người khi bắt buộc phải sống cái kiếp người. Jules Supervielle cho rằng tiếng oa oa đó từ một thế giới khác vọng lại và người mẹ “… đưa tay nhận đứa nhỏ. Ngạc nhiên thấy cái da thịt tách khỏi mình đó bây giờ đã có một tiếng nói, ngạc nhiên như một cây đào nghe thấy trái đào la lớn….”

Thật là nên thơ. Nhưng nếu theo khoa học thì tiếng oa oa đó chỉ là một phản ứng của trẻ để hít dưỡng khí vô; nó thoả mãn nhu cầu căn bản và đầu tiên của con người là: thèm không khí. Chúng ta đừng quên rằng có 60% những trẻ sơ sinh mà chết trong mấy giờ đầu, nguyên do bởi ngộp thở, thiếu không khí.

Trẻ mới sinh lại có một khả năng thiên phú mà người lớn hoàn toàn không có: bé có thể gần như đồng thời vừa bú, vừa nuốt, vừa thở, còn người lớn chúng ta (cứ thử nghiệm mà xem) không thể nào vừa nuốt vừa thở mà không bị ngạt.

Về sự ăn uống, người ta nhận thấy rằng trong đa số trường hợp, khi trẻ mới sinh, bộ tiêu hóa không chứa một thức ăn nào cả. Đôi khi có một chút nước trong bào thai (amnios) mà bé lỡ nuốt khi nằm trong tử cung. Ở trong tử cung, bé được nuôi dưỡng bằng cuống rốn; khi lọt lòng mẹ ra, cách dinh dưỡng thay đổi, bộ tiêu-hóa của bé phải tự hoạt động, thành thử bé sút cân, làm cho nhiều bà mẹ lo ngại, nhưng tới ngày thứ 7 hay thứ 10, bé lên cân lại được như cũ; sở dĩ sút cân trong tuần lễ đầu đó, có lẽ do sự tiêu hóa chưa được hoàn hảo.

Trong mười lăm ngày đầu, trẻ cứ khoảng ba giờ lại thấy đói; từ hai tới tám tuần, cứ khoảng bốn giờ mới thấy đói. Nhưng cả về phương diện đó, mỗi trẻ một khác, khó mà định được những tiêu chuẩn chính xác. Chúng ta chỉ nên biết rằng hễ trẻ đói thì phải cho bé bú – chúng ta sẽ có dịp trở lại vấn đề đó. Người ta đã luồn những bong bóng nhỏ vào bao tử của trẻ mới sinh, nhận thấy rằng khi chúng đói, bao tử của chúng bóp, thắt lại mạnh hơn bao tử người lớn, nói cách khác, khi chúng đói thì đói hơn chúng ta nhiều.

Còn về cơ năng bài tiết, người ta thường thấy trẻ mới lọt lòng mẹ ra là tiểu tiện. Khi cho bé bú rồi, thì trong 24 giờ bé có thể tiểu tiện tới 18 lần, và đại tiện khoảng 4 lần.

Xét về các hạch, chúng ta biết rằng khi mới sinh, hầu hết các hạch của trẻ đã bắt đầu hoạt động, vài hạch cơ hồ hoạt động một cách rất vô ích. Chẳng hạn đôi khi vú của nam cũng như nữ, lớn lên và tiết ra sữa, nhưng chỉ ít lâu rồi thôi, rồi cũng vô hại.

Trích sách Thế Giới Bí Mật Của Trẻ Em