Nếu chúng ta có thể biết được ngôn ngữ, trí tuệ, óc tưởng tượng, ý niệm về đạo đức, tính quần thể , tinh thần tự do và độc lập… xuất hiện vào thời nào của con và phát triển theo thời gian ra sao.
Chúng ta sẽ ngạc nhiên nhận ra những biểu hiện ở con trẻ là tất cả những sự phát triển đó, tất cả những phản ứng của trẻ, mặc du mỗi đứa mỗi khác, mỗi tuổi một khác, nhiều khi kỳ cục, ta không hiểu nổi, thực ra đều có lý do, đều theo một quy luật phát triển bất di bất dịch. Đó là trẻ luôn luôn tập thích ứng với thế giới bên ngoài và đồng thời vẫn giữ cá tính riêng, rồi dần trở nên tự lập hơn trong cuộc sống.
Hiểu như vậy thì khi con bướng bỉnh, khó dạy, ta không bực mình nữa, có phần còn mừng vì thấy con ngây thơ vụng về nhưng đã tiến bộ, cá tính đã bắt đầu biểu lộ; và ta sẽ nhận ra nhiệm vụ của mình là giúp con sớm tự lập, mà khi con tự lập được rồi, tách ra khỏi mình để sống đời của con, lo cho cháu mình cũng như mình đã lo cho con, đó chỉ là lẽ tự nhiên, như tục ngữ đã nói: “Nước chảy xuôi chứ không bao giờ chảy ngược”. Muốn tập cho con quyến luyến với nguồn cội thì chỉ có cách một mặt chính mình phải nghĩ tới nguồn, mặt khác nghĩ tới hạnh phúc của con.
Bên cạnh đó, ta còn phải tập cho trẻ “vừa nhận mà vừa cho”, biết hưởng những cái vui thì cũng phải chịu những cái khổ vì đời sống không phải chỉ toàn những vui thích, cuộc sống không phải là chỉ để hưởng thụ mà thôi.
Trích sách Thế Giới Bí Mật Của Trẻ Em